17:04 21/08/2024 Bài 2: Hải Phòng bừng lên sức sống mới NQ45 ra đời chưa được 1 năm thì đại dịch COVID-19 xuất hiện và hoành hành suốt hơn 2 năm đã tác động đáng kể tới thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhưng vượt lên tất cả, với bản lĩnh, ý chí kiên cường, với quyết tâm cao và từ những nền tảng đã tạo dựng được, Hải Phòng vẫn bừng lên sức sống mới nhờ ánh sáng từ NQ45 của Bộ Chính trị.
Nhiều điểm sáng
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện NQ45, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Hải Phòng có nhiều điểm sáng rất đáng ghi nhận và tự hào.
Trong đó, điểm sáng nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế. 9 năm liền, trong đó có 2 năm bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Hải Phòng vững vàng tăng trưởng ở mức 2 con số, luôn cao hơn bình quân vùng và cả nước; gần đạt mục tiêu NQ45.
Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng GRDP đạt 16,2%; năm 2019 đạt 17,02% (bình quân vùng đạt 8,92%; cả nước đạt 7,36%); năm 2020 đạt 10,61% (bình quân vùng đạt 5,16%; cả nước đạt 2,87%); năm 2021 đạt 12,86% (bình quân vùng đạt 6,32%; cả nước đạt 2,55%); năm 2022 đạt 12,48% (bình quân vùng đạt 9,57%; cả nước đạt 8,12%): năm 2023 đạt 10,34% (bình quân vùng đạt 6,29%; cả nước đạt 5,05%); 6 tháng đầu năm 2024 đạt đạt 10,32%, đứng thứ 5 cả nước, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng.
Tính chung giai đoạn 2019- 2023, GRDP bình quân thành phố tăng nhanh, là điểm sáng trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế của cả nước, đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm); gấp 1,74 lần so với giai đoạn 2014-2018 và gần đạt mục tiêu đề ra trong NQ45 (13%/năm).
Nhờ vậy, giai đoạn 2019-2023, quy mô kinh tế thành phố Hải Phòng không ngừng được mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ hai tại vùng đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2023, GRDP của thành phố theo giá hiện hành đạt 402.504,70 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2018, chiếm khoảng 12,8% GRDP vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tỷ trọng GRDP thành phố (theo giá hiện hành) trong GDP cả nước tăng từ 3% năm 2018 lên 3,86% năm 2023, đạt khoảng 60,03% so với chỉ tiêu NQ45 (đến năm 2025 đạt 6,4% cả nước).
Giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng GRDP bình quân đầu người của thành phố đạt 11,67%/năm, gấp 2,38 lần tăng trưởng GDP bình quân đầu người của cả nước (4,17%) và gấp 1,97 lần so với vùng ĐBSH (5,92%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2023 (theo giá hiện hành) đạt 191,21 triệu đồng/người, tương đương 7.826,12 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước.
Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng kinh tế được tăng lên do tăng cường áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân (ICOR); gia tăng tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào quy mô GRDP và tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, năng suất lao động của Hải Phòng giai đoạn 2018- 2023 tăng bình quân 14,39%, thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước. Đến năm 2023, năng suất lao động thành phố đạt 394,73 triệu đồng/lao động, cao gấp 1,98 lần bình quân cả nước (199,3 triệu đồng); gấp 2,07 lần so với năm 2018.
Hệ số ICOR giai đoạn 2019- 2023 đạt 4,92%, riêng năm 2023 đạt 5,95% (giai đoạn 2014-2018 đạt 3,96%). Tỷ trọng TFP đóng góp vào tăng trưởng GRDP tăng dần qua từng năm. Giai đoạn 2019-2023, tỷ trọng TFP bình quân là 44,06% đạt mục tiêu nghị quyết (TFP từ 44%-45%) và gấp 1,1 lần tỷ trọng TFP chung cả nước (39,76%); tăng 4,94 điểm phần trăm so với giai đoạn 2014-2018.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh một điểm sáng rất ấn tượng của Hải Phòng khi thực hiện NQ45 là tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong GRDP tăng từ 47,17% năm 2019 lên 53,34% năm 2023, là động lực tăng trưởng quan trọng của thành phố.
Cũng từ đây nổi lên điểm sáng về thu hút nguồn vốn FDI, liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Giai đoạn 2019-2023, thu hút FDI đạt khoảng 14 tỷ USD, gấp 2,5 lần giai đoạn 2014-2018. Nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới và trong nước đã đầu tư trên địa bàn thành phốvới các dự án có công nghệ hiện đại tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia mạng sản xuất toàn cầu và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Tập đoàn LG, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), Tập đoàn Bridgestone; Nipro Pharma; Fuji Xerox, Sumitomo, Aeon… (Nhật Bản), Tập đoàn Regina Miracle - Hồng Kông (Trung Quốc); Tập đoàn Pegatron- Đài Loan (Trung Quốc); Tongwei (Trung Quốc).
Đáng chú ý, Khu kinh tế (KKT) Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 6.131,36 hatiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 65%, suất đầu tư trung bình đạt gần 11 triệu USD/ha bằng 2,2 lần so với trung bình cả nước (5,3 triệu USD/ha); đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.
Khu kinh tếĐình Vũ- Cát Hải đang trở thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; là động lực lôi kéo, thúc đẩy Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước. Ngoài các doanh nghiệp FDI, Hải Phòng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước tầm cỡ, nổi bật là Tập đoàn Vingroup với Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, được coi là biểu tượng phát triển mới của công nghiệp Hải Phòng, đi đầu trong sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam.
Tính đến hết năm 2023, các KCN và KKT đã thu hút được hơn 500 dự án FDI với số vốn hơn 25 tỷ USD; 214 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn trên 309.000tỷ đồng (khoảng 13,8 tỷ USD), tạo việc làm cho 194.485 người. Giai đoạn 2019- 2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của thành phố đạt 813.065 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn đầu tư cả nước, gấp 2,5 lần giai đoạn 2014-2018 (325.607,7 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 11,64%/năm. Đây là nguồn lực rất quan trọng để phát triển thành phố.
Một điểm nhấn rất quan trọng của Hải Phòng là công tác thu ngân sách. Giai đoạn 2019-2023, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 468.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7,1%, cao hơn bình quân cả nước là 6,1%. 2 năm liền, Hải Phòng đã đứng vào danh sách các địa phương có số thu hơn 100.000 tỷ đồng. Trong đó, số thu nội địa tăng nhanh, từ 27.000 tỷ đồng năm 2019 tăng lên hơn 43.000 tỷ đồng năm 2023 và năm 2024 phấn đấu đạt 45.000 tỷ đồng.
Từ đây, thành phố có thêm nguồn lực thực tế chi cho đầu tư phát triển với tổng chi 5 năm 71.392,35 tỷ đồng, tăng 2,34 lần so với giai đoạn 2014-2018; tổng chi thường xuyên là 66.398,55 tỷ đồng, tăng 1,52 lần so với giai đoạn 2014-2018. Thành phố Hải Phòng có thêm nguồn lực chi phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; chăm lo gia đình chính sách, người có công với mức tặng quà hàng năm cao nhất cả nước; hỗ trợ giảm nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Cùng với đó, hạ tầng mạng thông tin di động (viễn thông và Internet băng rộng di động) được bao phủ tới 100% các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; tỷ lệ hộ gia đình được kết nối đường truyền internet băng rộng cố định (cáp quang) tăng trưởng nhanh, năm 2019 đạt 60,87%, năm 2023 đạt 90,48%; tỷ lệ số người sử dụng điện thoại thông minh tăng từ 64,2% năm 2019 lên 85,04% năm 2023. Các cơ sở, nền tảng cho một thành phố thông minh, hiện đại đã định hình.
Bừng sáng những công trình vươn cao
5 năm qua, dưới ánh sáng của NQ45, diện mạo Hải Phòng thay đổi từng ngày. Người Hải Phòng giờ đây đếm không xuể các công trình đã hiện hữu trên địa bàn thành phố. Đó là Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn với tổng vốn đầu tư hơn 5000 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2025; là hàng trăm cây cầu kết nối; là 8 bến cảng nước sâu Lạch Huyện; là các nút giao thông hiện đại; các tuyến đường mới mở rộng thênh thang; là Khu công nghiệp, dịch vụ, phi thuế quan Xuân Cầu; là hàng chục khu đô thị mới hiện đại, mang lại một đẳng cấp sống hoàn toàn mới cho người dân Hải Phòng như đảo Vũ Yên; Vinhomes Thượng Lý; cầu Rào; Làng Việt Kiều; các khu đô thị của Hoàng Huy; Apage; nam sông Lạch Tray; các khách sạn 5 sao; Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng...
Tiến độ thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương đang được đẩy nhanh.Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2023 không chỉ tăng thêm sức hấp dẫn mà còn thúc đẩy nhiều dự án phát triển du lịch của Hải Phòng.
Cũng hiếm có địa phương nào dám chi hàng trăm tỷ đồng cho 1 xã xây dựng NTMKM, để đến bây giờ, nông thôn Hải Phòng “đẹp như mơ”, đường nhựa thẳng tắp, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp đáng kể; ở nhiều khu vực nông thôn còn đẹp hơn cả thành thị…
Và cũng ít có địa phương nào làm được như Hải Phòng khi dành những khu đất đẹp nhất, những cơ chế chính sách ưu đãi nhất để xây dựng nhà ở xã hội. Mục tiêu xây dựng hơn 15.000 căn hộ nhà ở xã hội đã nằm trong tầm tay và từ đây, Hải Phòng có đủ cơ sở, điều kiện để giải quyết dứt điểm các chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm; hàng chục nghìn hộ dân được sống trong các căn hộ mới khang trang, hiện đại.
Đây quả thực là những con số biết nói khẳng định sức vươn và hiệu quả thiết thực từ sự cụ thể hóa và hiện thực hóa những nội dung NQ45. Từ một thành phố mà mỗi khi có ý tưởng đầu tư, các doanh nhân ít nhiều còn e ngại thì nay, Hải Phòng đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài với hàng trăm dự án lớn, quy mô, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2019-2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Trong đó, năm 2021 vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 và 2023 đều xếp vị trí thứ 3/63. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố đạt 88,90%.
Thế nhưng chỉ số cao nhất, có tác động mạnh mẽ nhất mà Hải Phòng có được hôm nay chính là mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp đều cảm nhận được quyết tâm chính trị to lớn của thành phố, sự thân thiện, gần gũi, sẵn sàng tạo điều kiện tới mức tối đa. Người dân thành phố ngày càng thấy yêu hơn, gắn bó hơn, dạt dào cảm hứng cống hiến và dựng xây để Hải Phòng trở thành thành phố thân thiện và hấp dẫn, thành phố đáng sống, đáng đến để làm việc, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Và như vậy, Hải Phòng chắc chắn sẽ đạt được những chỉ số lớn hơn trong tất cả các lĩnh vực, để thành phố bước vào thời kỳ phát triển mới với rất nhiều đột phá, với tất cả niềm tin yêu và hy vọng./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
10:16 23/11/2024
07:41 23/11/2024