12:06 22/08/2024 Bài 4: Liên kết vùng để cùng phát triển NQ45 nêu rõ: “xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”. 5 năm qua, tư duy hợp tác, phát triển trong mối liên kết vùng được Hải Phòng đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả thiết thực, rõ nét.
Nhanh chóng hiện thực hóa
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng luôn xác định rõ quan điểm: sự liên kết, hợp tác là yêu cầu tự thân, là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển và sẽ tạo nên sức mạnh để các địa phương trong vùng tiếp tục bứt phá đi lên, và để Hải Phòng xứng đáng với vai trò động lực, đầu tàu phát triển của cả vùng và là điểm sáng của cả nước.
Ngay sau khi NQ45 được ban hành, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có các cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh; Thái Bình, Hải Dương. Nhiều chương trình hợp tác, kết nối được bàn bạc, thống nhất với quan điểm chung là Hải Phòng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc bộ cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển. Lãnh đạo các địa phương đều thống nhất quan điểm: hợp tác, liên kết vùng là yêu cầu tất yếu, cần phải được thực thi hiệu quả và thông suốt, vì sự phát triển chung của mỗi địa phương, của cả vùng và cả nước và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể để thực hiện.
Điều đáng ghi nhận là sự hợp tác, liên kết vùng giữa Hải Phòng và các địa phương đã nhanh chóng được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích, hiệu quả to lớn. Theo đó, Hải Phòng đã dành nguồn lực đầu tư xây dựng cầu sông Hóa; cầu Nghìn 2; tuyến đường bộ ven biển để kết nối với tỉnh Thái Bình; xây dựng cầu Dinh kết nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn, Hải Dương; cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà, Hải Dương…
Mới đây, Hải Phòng cùng với Quảng Ninh khánh thành cầu Bến Rừng với tổng vốn đầu tư gần 2000 tỷ đồng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều tình Quảng Ninh… Tính chung trong 5 năm qua, tổng nguồn lực Hải Phòng dành để xây dựng các cây cầu, các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong tư duy phát triển những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn đề cao các chương trình liên kết, hợp tác với Hải Phòng và chủ động thực hiện những công trình, dự án “đón trước” quá trình hợp tác sau này, bảo đảm sự thông thương kết nối xuyên suốt. Cụ thể, ngay sau khi hoàn tất cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai xây dựng tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng tới thẳng Vân Đồn và Móng Cái, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Móng Cái từ 6 giờ hiện nay xuống chỉ còn 3 giờ.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện tuyến đường kết nối giữa 3 cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc là Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô để tạo thuận lợi tối đa nhất cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ nhận container từ Hải Phòng tới các cửa khẩu; xây dựng Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, để cùng với Khu Kinh tế ven biển Hải Phòng tạo thành những lợi thế so sánh nổi trội mà không địa phương nào trong vùng có được. Quảng Ninh cũng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng đề án phát triển Khu Kinh tế biên mậu, trong tương lai sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho doanh nghiệp hai bên.
Với quan điểm, kết nối hạ tầng giao thông có ý nghĩa quyết định nên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể. Thành phố đã triển khai xây dựng, cải tạo quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan tới cầu Đá Bạc; tỉnh Quảng Ninh đảm nhận đoạn từ cầu Đá Bạc tới nút giao quốc lộ 18. Các địa phương đang có sự phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đề xuất triển khai sớm tuyến đường sắt kết nối Yên Viên- Hạ Long với tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh- Hải Phòng- Thái Bình-Ninh Bình và tuyến Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng ra cảng Lạch Huyện.
Tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy nhanh xây dựng tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn tỉnh, kết nối với tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tạo sự thông thương, kết nối nhanh chóng và thuận tiện giữa các địa phương trong vùng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi hoàn thành tuyến đường, từ Thái Bình tới Cảng hàng không quốc tế Cát Bi chỉ mất 25 phút, một cơ hội tuyệt vời để cả hai địa phương cùng phát triển. Cùng với đó, tỉnh Thái Bình cũng triển khai khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp của Thái Bình nói riêng và các địa phương, trong đó có Hải Phòng nói chung.
Còn với tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng cầu Tú (kết nối huyện An Lão- huyện Thanh Hà); cầu Trường Thọ (kết nối An Lão- Kim Thành)…Với quyết tâm này, về cơ bản, các vị trí kết nối giữa hai địa phương sẽ được thực hiện và hoàn thành trong vòng 2-5 năm tới, tạo đà thực hiện thắng lợi nghị quyết 45.
Không chỉ kết nối giao thông, Hải Phòng và các địa phương trong vùng cũng sớm bàn bạc và thống nhất các chương trình, kế hoạch cụ thể để hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cả phát triển KTXH cũng như giữ vững QPAN, công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng…
Cụ thể là hợp tác trong phát triển kinh tế biển; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp; đào tạo và cung cấp nhân lực cho các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp; kết nối phát triển du lịch; thu ngân sách, thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; phát triển khu công nghiệp tại các địa bàn giáp ranh (như KCN Tràng Duệ với huyện Kim Thành, Hải Dương)…
Đặc biệt, để đưa Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long nhanh chóng trở thành trung tâm du lịch quốc tế, Hải Phòng và Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và đã được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà trong năm 2023; kết nối mạnh mẽ và hiệu quả hơn các tour, tuyến du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; triển khai chương trình liên kết du lịch Quảng Ninh- Hải Phòng- Hà Nội…
Cùng với đó, Hải Phòng tham gia ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (gồm Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh); tham gia tích cực, chủ động vào Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng; triển khai chương trình hợp tác với 7 địa phương trong cả nước; rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp để tăng cường liên kết nhằm phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, hạn chế sự trùng lặp về cơ cấu ngành, sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, với những động thái tích cực này, quan điểm chỉ đạo, nội dung về liên kết vùng của nghị quyết 45 đã được Hải Phòng và các địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Với cách làm đó, chắc chắn những năm tới sẽ có nhiều chương trình hợp tác lớn hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương, trong đó Hải Phòng là trung tâm, là động lực, là đầu tàu.
Rộng mở nhiều cơ hội
Cùng với NQ45, NQ30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và NQ14 ngày 8-2-2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện NQ30 đã xác định, làm rõ thêm vai trò, vị thế và mở ra nhiều cơ hội liên kết giữa Hải Phòng và các địa phương trong vùng.
Cụ thể, NQ30 xác định Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tiếp tục là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển của cả vùng, tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh.
Nghị quyết cũng chỉ rõ thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Theo đó, sẽ tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Cụ thể hơn, Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện NQ30 chỉ rõ nhiều công việc sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đó là nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá để tiếp tục phát triển Thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Trong số 20 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng thực hiện tới năm 2030, có 7 dự án lớn liên quan trực tiếp tới sự phát triển của Hải Phòng. Tiêu biểu là dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng đoạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng; nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn; tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, đoạn Hà Nội- Hải Phòng; tuyến đường sắt Nam Định- Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn nam Hải Phòng- Hạ Long dài 37km); cải tạo các tuyến đường thủy nội địa từ Hải Phòng, Quảng Ninh đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; đầu tư các bến cảng mới tại cảng biển Hải Phòng (các bến số 3,4,5,6,7,8 khu bến cảng Lạch Huyện); hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng...
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Hải Phòng là trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch kết nối với khu vực và thế giới, trong những năm tới, Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng. Theo đó, sử dụng ngân sách của địa phương xây dựng tuyến cao tốc ven biển đoạn qua Hải Phòng; cải tạo mở rộng quốc lộ 10 các đoạn còn lại; cải tạo các tuyến đường thủy trên địa bàn; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các bến cảng còn lại tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khởi động xây dựng cảng biển quốc tế nam Đồ Sơn.
Đồng thời, đầu tư mở rộng Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; xây dựng và hoàn thiện nhiều khu công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư về logictisc và các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao; phát triển và mở rộng không gian đô thị theo 3 hướng mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Đó là phát triển đô thị hướng biển và di chuyển Trung tâm Chính trị Hành chính của thành phố về phía bắc sông Cấm, phấn đấu Hải Phòng là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Có thể nói, Hải Phòng đã sẵn sàng tâm thế và quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra, xứng đáng với vai trò động lực, đầu tàu phát triển của cả vùng, cả nước./.
(còn tiếp)
Hồng Thanh
10:16 23/11/2024
07:41 23/11/2024