11:06 23/08/2024 Bài 6: Tận dụng tốt các dư địa phát triển, đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH Những kết quả nổi bật qua 5 năm đưa NQ45 của Bộ Chính trị vào cuộc sống thể hiện sự gắn kết nhuần nhuyễn ý Đảng, lòng dân và đặc biệt là các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mang nhiều tư duy và hành động đổi mới của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng.Trên chặng đường mới, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, áp lực, Hải Phòng vẫn kiên quyết, kiên trì, nhất quán nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu NQ45 đề ra. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã khẳng định như vậy khi dành cho phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng- Báo Công an Nhân dân cuộc phỏng vấn về những kết quả, dự định, hoài bão, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố trong thực hiện NQ45.
- Sau 5 năm thực hiện NQ45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng tích cực, chủ động đưa nghị quyết vào cuộc sống, ghi dấu ấn bởi sự đột phá, sáng tạo, hiệu quả, trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều các lĩnh vực. Là người đứng đầu Đảng bộ thành phố, theo đồng chí, đâu là yếu tố quyết định để Hải Phòng đạt được những thành tựu nổi bật đó?
- NQ45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Hải Phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển KTXH, giữ vững QPAN, là điểm sáng trên nhiều lĩnh vực của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao.
Những thành tựu Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của NQ45, cho thấy nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Đạt được kết quả đó trước hết là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành đã cụ thể hóa, chỉ đạo, phối hợp thực hiện bằng các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương bạn.
Cùng với đó là những nền tảng mà Hải Phòng đã xây dựng, tạo lập được trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; là công sức và sự cống hiến của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân dân thành phố. Và nhân tố quan trọng chính là niềm vui, sự phấn khởi, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng luôn nỗ lực hết mình, hừng hực khí thế để các mục tiêu, chỉ tiêu của NQ45 từng bước trở thành hiện thực, đưa Hải Phòng vươn tới đỉnh cao mơ ước.
Thứ hai, Thành ủy, Thường trực và Thường vụ Thành ủy cũng như nội bộ các cơ quan chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã thể hiện sự đoàn kết, thống nhất rất cao trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Sự đoàn kết, thống nhất đó được thể hiện trên cơ sở các nguyên tắc của Đảng, bảo đảm tính tập trung dân chủ, tính công khai, minh bạch trên tất cả các mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Do vậy, các quyết định, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố được tổ chức thực hiện và vận hành thông suốt, đồng bộ, kịp thời.
Thứ ba, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt được xác lập mạnh mẽ qua các biện pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện năng lực hoạch định, tầm nhìn dài hạn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh mới.
Sau sơ kết giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, Ban Thường vụ Thành ủy đã lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, phân công cụ thể đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ trì thực hiện theo hướng rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm đầu ra, rõ thời gian.
Nhờ vậy mà rất nhiều công việc trọng đại như cải cách hành chính trong Đảng; thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam; thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; thu ngân sách; xây dựng Trung tâm Chính trị- Hành chính; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn bắc sông Cấm; hoàn thành các dự án trọng điểm; các chính sách, đề án về y tế, đào tạo nghề; xây dựng nhà ở xã hội… đều cơ bản bám sát kế hoạch, tiến độ và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đây được coi là những nhân tố rất quan trọng thúc đẩy quá trình hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH hàng năm; 5 năm theo tinh thần nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố và NQ45 của Bộ Chính trị.
Thứ tư, trong quá trình thực hiện NQ45 từ năm 2019 tới nay có rất nhiều yếu tố tác động, trong đó lớn nhất là đại dịch COVID-19 hoành hành và kéo dài tới hơn 2 năm. Đây là khó khăn không lường trước được, tạo áp lực trong thực hiện các chỉ tiêu đề ra ở mức rất cao của NQ45. Đã có một số ý kiến bàn lùi, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu nhưng Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy kiên định với các mục tiêu, giải pháp đã đề ra; tin tưởng vào khả năng lãnh đạo, bản lĩnh vượt khó, tiềm năng vị thế của Hải Phòng để từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng theo tinh thần NQ45 của Bộ Chính trị.
Có thể nói, 5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng cũng đủ để tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm, những luận cứ, luận điểm, quan điểm phát triển để Hải Phòng tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn trong thực hiện NQ45 ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó, có một số nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và vận hành kinh tế xã hội cần được khẳng định để chúng ta phát huy trong thời gian tới.
- Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban chỉ đạo đề án sơ kết 5 năm thực hiện NQ45, có 4/7 chỉ tiêu rất thách thức đối với Hải Phòng. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, Hải Phòng có những dư địa phát triển nào để có thể biến thách thức thành cơ hội và góp phần thực hiện thắng lợi NQ45?
- Hải Phòng xác định rất rõ ràng vai trò, vị thế của mình trong thực hiện NQ45, là động lực phát triển của cả vùng, cả nước; phải tăng nhanh tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước. Đúng là trong 5 năm qua, một số chỉ tiêu theo NQ45 chưa đạt được như mong muốn do có những khó khăn nội tại và do cả cơ chế chung nhưng Hải Phòng tự tin sẽ có chuyển biến thực sự trong giai đoạn tiếp theo.
Cơ sở cho niềm tin đó của Hải Phòng là sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của Trung ương; quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, quyết biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực thực tế để phát triển.
Theo đó, Hải Phòng đã khẩn trương chuẩn bị và trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam. Đây được coi là động lực, là dư địa phát triển mới của Hải Phòng. Khu Kinh tế thứ hai của Hải Phòng có diện tích hơn 20.000 ha, được định hướng phát triển theo mô hình xanh, sinh thái với Cảng nam Đồ Sơn; Sân bay quốc tế Tiên Lãng; hàng chục khu công nghiệp mới; trung tâm logistics;các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch; các khu dân cư mới và đặc biệt là đang đề xuất thành lập Khu Thương mại tự do với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù… sẽ tạo nên một không gian phát triển rộng lớn, năng động, hấp dẫn, đầy tiềm năng cho Hải Phòng.
Điều đáng mừng là qua các chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc của lãnh đạo thành phố, rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã bày tỏ mong muốn được tham gia xây dựng các bến cảng nam Đồ Sơn; đầu tư vào các KCN, các trung tâm logistics… tại Khu Kinh tế ven biển phía Nam.
Bên cạnh đó, tiềm năng, dư địa phát triển của Hải Phòng khá rộng mở tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và khu vực Cát Hải, Cát Bà, Hải An; thành phố mới Thủy Nguyên; phía huyện An Dương, An Lão và khu vực Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn… Một loạt dự án giao thông, KCN, khu đô thị, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện… đang được triển khai tại các khu vực này, mang lại những giá trị mới và sức hấp dẫn mới cho Hải Phòng.
Ngoài ra, Hải Phòng đã có những bước chuẩn bị cho sự phát triển đột phá vào các giai đoạn sau như: tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đô thị; đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng NTMKM; thực hiện tốt các nghị quyết về đào tạo nghề cho lao động; nghị quyết về đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng trở thành đại học vùng, là một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước; về phát triển Y tế; xây dựng nhà ở xã hội; cấp nước sạch nông thôn; xây dựng lực lượng công an thành phố chính quy, tinh nhuệ; các nghị quyết về bảo đảm ASXH, chăm lo cho gia đình chính sách; không còn hộ nghèo…
-Vâng, như vậy là Hải Phòng đã quyết liệt hành động, đi trước đón đầu với tầm nhìn xa trông rộng. Nhưng để đi tới thành công, ngoài sự nỗ lực của thành phố, còn cần có “bệ đỡ” về cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế chính sách đặc thù. Hải Phòng có đề xuất và mong muốn gì với Trung ương về vấn đề này, thưa đồng chí Bí thư Thành ủy?
-Để hoàn thành mục tiêu Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ thì cơ chế, chính sách giữ vai trò quan trọng. Giai đoạn 2019- 2023, Hải Phòng đã được Trung ương quan tâm, ban hành một số cơ chế chính sách nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu của NQ45. Vì vậy, qua sơ kết 5 năm thực hiện NQ45, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Hải Phòng tiếp tục đề xuất Trung ương ban hành các cơ chế chính sách mới đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của thành phố Hải Phòng.
Thứ nhất, Hải Phòng đề xuất ban hành chính sách xây dựng Khu Thương mại tự do; mô hình cơ quan quản lý Cảng… Đây là nhiệm vụ chính trị được xác định rõ trong NQ45, đáp ứng được yêu cầu phát triển của quốc gia và Hải Phòng.
Thứ hai, đề nghị phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng (không cần thực hiện thí điểm) và các đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, đánh giá các cơ chế chính sách đặc thù Quốc hội đã ban hành tại nghị quyết số 35 để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng của NQ45 và kết quả tổ chức triển khai tại thành phố. Theo đó, nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, nhất là về tài chính, ngân sách, đất đai, phân cấp, phân quyền, tổ chức chính quyền, thu hút nguồn lực, đầu tư công trình trọng điểm … để tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có tính cạnh tranh cao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế cho phát triển những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, phát triển khoa học - công nghệ, nhất là khoa học và công nghệ biển; đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 26/11/2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ45, đặc biệt là hoàn thành dứt điểm 12 công việc cụ thể về hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thực hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, trách nhiệm của các bộ, ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đối với thành phố Hải Phòng.
Tôi tin tưởng, với sự đoàn kết, nhất trí một lòng, với bản lĩnh và ý chí tiến công, không lùi bước trước khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo mang nhiều tư duy và hành động đổi mới của Thành ủy; HĐND; UBND thành phố và tình yêu thành phố, nhiệt huyết cống hiến của toàn thể doanh nghiệp, nhân dân, chắc chắn Hải Phòng sẽ tiến những bước dài trong thực hiện NQ45 ở giai đoạn tiếp theo, sớm hoàn thành sự nghiệp CNH- HĐH, động lực phát triển của cả vùng, cả nước.
-Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!
Hồng Thanh thực hiện
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024