19:04 06/04/2020 Việt Nam và Israel đã có một chương sử chung ít người biết, giờ hai nước đang là những điểm sáng về thành công và cùng chia sẻ kinh nghiệm và những cơ hội hợp tác để cùng phát triển.
Ngày 14/5/1948, Nhà nước Israel được thành lập, là nhà nước đầu tiên của người Do Thái trong 2.000 năm. Tương đồng với Việt Nam hiện đại, Israel ra đời sau một cuộc đấu tranh với các thế lực hùng mạnh. Chỉ hai năm trước khi tuyên bố Israel độc lập, David Ben Gurion - “người khai quốc” và sau này là thủ tướng đầu tiên, trong thời gian đấu tranh giành độc lập đã tới Paris theo một sứ mệnh chính trị. Như một định mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng ở cùng khách sạn vào thời điểm đó.
Trong hai tuần ở Paris, hai lãnh tụ gặp nhau hàng ngày và thảo luận với đầy sự đồng cảm, nhận thấy những điểm chung lớn trong cuộc đấu tranh của hai dân tộc. Đỉnh cao của sự đoàn kết khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề xuất cho Ben Gurion thiết lập một chính phủ Israel lưu vong ở Hà Nội.
Israel đã biến sa mạc khô cằn thành những cánh đồng trù phú, năng suất cao. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Israel)
Việt Nam và Israel chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993. Trải qua 27 năm, tuyphải đối phó với những thách thức phức tạp về kinh tế, chính trị và xã hội tại mỗi nước cũng như tình hình thế giới, hai nước luôn dành cho nhau sự tôn trọng, tin cậy đặc biệt, giúp nhau đạt được những thành tựu hết sức đáng tự hào cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, thương mại, khoa học công nghệ,...
Về kinh tế, Israel hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại song phương trong những năm gần đây đều đạt trung bình trên 1 tỷ USD.
Hiện nay, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện thoại, càphê, hạt điều nguyên liệu và chế biến, giày dép và may mặc đang chiếm thị phần khá lớn tại Israel, cá ngừ Việt Nam nằm trong top 3 nhà xuất khẩu cá ngừ chế biến tại thị trường Israel.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 236,58 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2020. Trong đợt dịch bệnh viêm phổi Covid-19, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam gửi lời chúc và động viên tới chính quyền và người dân tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng vượt qua thời điểm khó khăn. |
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hàng năm Việt Nam có khoảng trên 700 tu nghiệp sinh đến học tập và lao động tại Israel, con số cao nhất trong số các nước đang cử tu nghiệp sinh. Bên cạnh, hàng năm, Israel còn cung cấp cho Việt Nam hàng trăm học bổng ngắn hạn để các cán bộ, chuyên gia Việt Nam tham gia các khóa đào tạo do Israel tổ chức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, lãnh đạo, bình đẳng giới…, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Hiện nhiều tập đoàn, công ty của Việt Nam nhập khẩu công nghệ cao của Israel để phát triển những dự án nông nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, Israel là quốc gia có nhu cầu về sử dụng lao động nước ngoài rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, xây dựng, nhà hàng... trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, được đào tạo tốt. Bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Israel càng trở nên cần thiết và đầy tiềm năng.
Đặc biệt, trong chiến lược phòng thủ đất nước, Israel đã giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh quân đội. Gạt sang những lý do địa - chính trị, quan hệ quốc phòng Việt Nam - Israel đã có bước phát triển vượt bậc, mang tính đột phá khi Israel bán cho Việt Nam những vũ khí, trang bị và chuyển giao những sản phẩm quốc phòng hiện đại nhất.
“Chúng ta còn nhiều điều học được từ nhau. Chúng ta có nhu cầu cũng như khả năng cùng nhau tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn” – Lời phát biểu chân thành của Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar đã thể hiện chiến lược đúng đắn hai nhà nước, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam và Israel ngày càng gắn bó, phát triển.
Trần Hoàng tổng hợp