Liên Hợp Quốc (LHQ) nhấn mạnh một tòa án quốc tế do Hội đồng Bảo anthành lập theo Hiến chương LHQ cho phép sử dụng vũ lực là một trongnhiều lựa chọn để xét xử những têncướp biển Somalia.
| Hải tặc Somalia bắt giữ 2 con tin |
Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an ngày 22-8 , Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh những thỏa thuận về giam giữ các phần tử cướp biển cũng quan trọng không kém việc truy tố và xét xử chúng, vì nhiều tên cướp biển hiện đang bị hải quân các nước tuần tra ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi và Vịnh Aden giam giữ.Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ông Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra cam kết về chính trị và tài chính, không chỉ để thành lập tòa án quốc tế mà còn duy trì hoạt động của tòa án này.
Người đứng đầu LHQ cũng cho biết tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đang tích cực hỗ trợ các nước trong khu vực Sừng châu Phi tăng cường khả năng truy tố, xét xử và giam giữ các phần tử cướp biển Somalia.Tháng Sáu vừa qua, Kenya đã được Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) giúp thành lập một tòa án mới với mức độ bảo vệ an ninh cao ở thành phố cảng Mombasa, nhằm tăng cường hiệu quả xét xử cũng như tạo môi trường an ninh hiện đại phù hợp với việc xét xử cướp biển. Một lựa chọn khác được LHQ cân nhắc là thiết lập một tòa án của Somalia trên lãnh thổ nước khác trong khu vực hoặc một tòa án quốc tế theo thỏa thuận của LHQ với một nước trong khu vực.
Thời gian qua, LHQ đã thành lập một hạm đội tàu hải quân quốc tế mạnh, với sự tham gia của Hải quân Mỹ, NATO, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tuần tra chung tại vùng biển này để truy quét cướp biển Somalia.Các hạm đội được HĐBA LHQ cho phép kiểm soát và truy bắt hải tặc và được sử dụng các biện pháp cần thiết, kể cả dùng hỏa lực mạnh đánh chìm tàu của cướp biển. Mặc dù vậy, hải quân quốc tế còn gặp khó khăn trong việc bảo vệ những tàu thuyền thương mại trước sự tấn công của cướp biển tại vùng lãnh hải của Yemen và tuyến hàng hải qua khu vực phía Nam Biển Đỏ. Lý do là tại khu vực phía Nam Biển Đỏ, hải quân quốc tế chưa có đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra các tàu thuyền khả nghi.
Theo thống kê của Cục Hàng hải quốc tế, năm 2008, có khoảng 111 tàu đã bị cướp biển tấn công và con số này đã tăng gấp hai lần trong năm tiếp theo. Tính đến tháng 5 năm nay, cướp biển Somalia đã bắt 450 người làm con tin và giữ nhiềutàu hàngđể đòi tiền chuộc. Mới đây nhất, vào ngày 5-8, cướp biển Somalia đã bắt tàu hàng MV Syria Star cùng 24 thủy thủ tại Vịnh Aden.Ngay sau khi tàu MV Syria Star thông báo cướp biển đang ở trên boong tàu và nã đạn vào thủy thủ, trực thăng của Lực lượng chống cướp biển của EU đã được điều tới hiện trường và phát hiện một xuồng nhỏ chứa dầu, đạn dược của cướp biển. Trước đó, ngày 2-8, cướp biển Somalia đã bắt cóc tàu chở hàng của Panamanian cùng 23 thủy thủ trên tàu.
Trong số 400 vụ tấn công cướp biển trên toàn thế giới năm 2009, 200 vụ xảy ra ở ngoài khơi Somalia, nhưng rất nhiều nghi phạm cướp biển bị bắt đã được thả do thiếu bằng chứng để kết tội. Tuy nhiên, một số nước đã nỗ lực đưa bọn cướp biển ra trừng trị trước pháp luật. Hồi tháng 5-2010, một tòa án Yemen đã tuyên án tử hình 6 cướp biển Somalia và án tù 10 năm với 6 người khác do bắt cóc một tàu chở dầu của Yemen và giết chết hai thành viên trong thủy thủ đoàn hồi tháng 4-2009. Cũng trong tháng 5-2010, một phiên tòa xử cướp biển Somalia diễn ra tại New York, Mỹ. Bị cáo Abdiwali Abdiqadir Muse đã nhận tội và có thể bị tuyên án 27 năm tù (phiên tuyên án chưa diễn ra).
VIỆT ANH (tổng hợp) |