Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã bắt đầu cầu hàng không để cung cấp lương thực khẩn cấp cho Somalia, quốc gia châu Phi đang bị nạn đói nghiêm trọng. Đây là cầu hàng không viện trợ lương thực đầu tiên kể từ khi LHQ tuyên bố nạn đói tại hai khu vực ở miền nam Somalia hồi tuần trước.
| Hình ảnh xót xa từ Somalia |
Chuyến bay đầu tiên, với 10 tấn hàng dinh dưỡng cho trẻ em, đã hạ cánh tại thủ đô Mogadishu. Phát ngôn viên của WFP cho biết 10 tấn Plumpy'nut, một loại thức ăn giàu protein và năng lượng làm từ lạc, sẽ đủ cho 3.500 trẻ suy dinh dưỡng trong vòng 1 tháng. Số Plumpy'nut này được đưa từ Pháp tới Kenya hôm 25-7. Trong các tuần tới WFP sẽ có thêm các chuyến bay viện trợ tới Somalia. Việc vận chuyển lương thực lẽ ra bắt đầu vào ngày 26-7 nhưng bị trì hoãn vì những trục trặc hành chính quan liêu tại Kenya. Ngoài ra, du kích Hồi giáo al-Shabab, hiện kiểm soát hầu hết lãnh thổ Somalia, không cho WFP vào các khu vực của họ.
Ước tính gần một nửa trong tổng số 3,7 triệu dân Somalia, trong đó khoảng 2,8 triệu sinh sống ở miền Nam, đang trong cuộc khủng hoảng đói.do tình trạng hạn hán tồi tệ nhất sau nhiều thập niên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Somalia hiện đang đứng ở mức cao nhất thế giới, lên tới 50% tại một số khu vực. Thống kê có trên 6/10.000 trẻ dưới 5 tuổi chết vì suy dinh dưỡng mỗi ngày ở một số khu vực. Do đó, việc trì hoãn cứu trợ mỗi ngày là "vấn đề sống còn đối với trẻ em và các gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn đói" và "nếu thế giới không hành động ngay, chỉ trong vòng 2 tháng, nạn đói sẽ lan rộng đến tất cả 8 khu vực ở miền Nam Somalia.
Hiện có hơn 370.000 người vượt biên từ Somalia được nhồi nhét vào các trại tị nạn như Dadaab ở phía bắc Kenya. Số khác lại tìm đường tới thủ đô Mogadishu của Somalia mong được Chính phủ ban phát chút thức ăn để cầm hơi. Trong chuyến thị sát tới Mogadishu hôm 21.7, Giám đốc điều hành của WFP tại Somalia, ông Josette Sheeran đã phải thốt lên rằng: "Có quá nhiều người đang và sắp chết đói trên đường phố. Nơi đây như thể đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc".
Không chỉ 2,8 triệu người ở miền Nam Somalia đang lâm vào cuộc khủng hoảng đói, mà theo WFP còn có mà 4,2 triệu người tại Kenya, chừng đó tại Ethiopia và 117.000 người tại Djibouti cũng đang phải vật lộn với miếng ăn hàng ngày. Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế cáo buộc các quốc gia giàu có trên thế giới cố tình làm ngơ nên đã để xảy ra tình trạng như hiện nay tại vùng Sừng châu Phi. Mặc dù LHQ kêu gọi 3 "đại gia" của thế giới là Pháp, Italia và Đan Mạch đóng góp 1 tỷ USD để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại vùng Sừng châu Phi, nhưng các nước này chỉ đóng góp 200 triệu USD.
Ông Mark Bowden - Điều phối viên nhân đạo cho Somalia của LHQ cho biết, chỉ riêng Somalia, số tiền dành cho viện trợ nhân đạo trong 2 tháng đã cần đến 300 triệu USD. Ông Bowden cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể sẽ lan rộng đến 6 khu vực khác nữa tại miền Nam Somalia nếu như các quốc gia phương Tây tiếp tục trì hoãn các khoản viện trợ. Đây có thể được xem là hành động thiếu trách nhiệm khi rất nhiều các quốc gia phương Tây đang thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác khoáng sản ở lục địa đen.
VIỆT ANH (tổng hợp) |