Thả hồn phố cổ bên dòng Tam Bạc

10:27 06/02/2019

Trung tâm Hải Phòng có một con phố cổ mà lịch sử ra đời, phát triển của nó gắn liền với dòng sông Tam Bạc. Như một thi sĩ từng thốt lên: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông...”, Tam Bạc, không chỉ như một người mẹ thiên nhiên, muôn đời chuyên chở phù sa bồi đắp mà còn là chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử...

Sông có tên chính là Trạm Bạc, dài 11 km, một nhánh của sông Lạch Tray bắt đầu từ thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi, huyện An Dương, chảy qua các xã Lê Thiện, Tân Tiến, Bắc Sơn, Nam Sơn… Đến Hạ Lý, nó nhận thêm nước của con sông Đào nối sông Lạch Tray với Tam Bạc rồi đổ ra sông Cấm.

Ngược dòng thời gian, gần 2.000 năm trước, Nữ tướng Lê Chân, người con của vùng quê Đông Triều, Quảng Ninh đã từ vùng rừng núi Đông - Bắc xuống vùng ven biển, nơi giao nhau của các con sông, chọn đất, khai hoang, lập nên trang An Biên (Hải Phòng ngày nay) làm căn cứ, cùng Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán dành lại độc lập giang sơn cho đất nước.

Đến thế kỷ 19, Tam Bạc trở thành tuyến giao thông đường thủy quan trọng. Triều đình nhà Nguyễn đã đặt Trạm thuế quan thương chính nhu viễn ở làng Lương Quy và An Biên. Vậy sông mới có tên Trạm Bạc.

Năm 1874, cũng lại triều Nguyễn cho chiêu tập các thương nhân người Việt, người Hoa tới lập phố xá ở bến Ninh Hải và vùng ven sông Tam Bạc được các thương nhân lựa chọn đầu tiên. Đây là vùng ruộng trũng, bãi bồi xa làng, ít có giá trị canh tác nên người dân trang An Biên đã bán cho họ để dựng nhà, lập phố. Thủa ban đầu, phố xá nơi đây là những căn nhà sàn được dựng cao để tránh ngập khi nước triều lên.

Tháng 5/1876, Rô-bớc-xơn (Robertson), Công sứ Anh ở Quảng Châu đến Hải Phòng ghi lại: Vùng Tam Bạc gồm những túp lều xám xịt, tồi tàn. Có một cái chợ bán nhiều cá tươi, gà, vịt nhưng không có rau. Chợ họp tuần một phiên chính. Vào những ngày mưa, phố xá hoàn toàn không đi lại được vì bùn lầy…

Sau năm 1876, đặc biệt là sau khi đào Kênh vành đai (Kênh Bonnal) vào năm 1885, Hải Phòng dần hiện lên dáng dấp của một đô thị kiểu phương Tây với những dãy phố được quy hoạch ô bàn cờ, đường rộng có hè, nhà xây lối biệt thự bằng tường gạch, lợp ngói cao 2 đến 3 tầng. Lúc này, phố Tam Bạc được hình thành rõ nét hơn thay thế cho những nhà sàn tre, nứa.

Ban đầu, đó chỉ là mặt sau của phố Bati (Baty) và phố Khách (Rue Chinoise) - Lý Thường Kiệt ngày nay và chỉ có đoạn từ phố Ký Con đến chợ Sắt mới có số nhà. Sau, các thương nhân mới đục tường làm cửa thông ra phố Tam Bạc để tiện đi lại.

Lúc mới mở, phố có tên là Ke-ma-re-xan Phốc (Quai maréchan Foch); Cách mạng tháng Tám thành công được đổi là bến Bạch Thái Bưởi. Khi giải phóng Hải Phòng (1955), phố mang tên Tam Bạc.

Đầu thế kỷ 20, Tam Bạc không chỉ là phố buôn bán của người Việt, người Hoa mà còn là phố Bến Tàu. Các nhà tư sản Việt Nam như Bạch Thái Bưởi (ông vua tàu thủy Việt Nam), Nguyễn Hữu Thu hay nhà buôn Hoa kiều như Bảo Sinh, Lai Thành, Xương Phát Nguyên… đã đến đây lập bến.

Vào thời cực thịnh, sông Tam Bạc đông đúc, ngược xuôi tàu, thuyền với cả rừng cột buồm. Trên bến dưới thuyền náo nhiệt cảnh đi lại bốc xếp hàng hóa, mua bán của các thương nhân, hành khách, phu phen, đến cả dân anh chị cũng mò đến để kiếm chác. Melo (M.Merlo), nguyên Đốc lý Hải Phòng cho biết, ở đây “cuộc sống hỗn độn, quyết liệt”…

Có thể thấy, sự ra đời của phố Tam Bạc gắn liền với con sông Tam Bạc và sự phát triển của đô thị Hải Phòng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khác với các khu phố Tây, kiến trúc sang trọng, chuẩn mực, tinh tế, thì ngược lại kiến trúc phố Tam Bạc lại hơi tạp với những căn nhà được xây dựng không theo một chuẩn mực nào.

Các mái nhà lô xô cao thấp, các khuôn cửa có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, tạo cho con phố một tổng thể kiến trúc đa hình khối, nhiều sắc màu, làm nên một nét rất riêng chỉ có ở Hải Phòng. Cũng chính bởi vậy, con phố cổ này trước cách mạng tháng Tám gắn liền với cuộc sống xô bồ, vất vả, mưu sinh của những mảnh đời phu xe, bốc vác, kiếm sống quanh các bến tàu trên sông.

Đây cũng là nơi nhà văn Nguyên Hồng hay đi về để tìm hiểu, trải lòng, đồng cảm với những thân phận dưới đáy sông, những cuộc đời tại bến tàu. Đó là nhựa sống để ông sáng tạo nên tác phẩm “Bỉ vỏ” bất hủ.

Phố Tam Bạc, sông Tam Bạc, sau năm 1945, không còn sầm uất, trên bến, dưới thuyền nữa, do dòng sông ngày càng bồi lấp.

Song với người Hải phòng, phố sông Tam Bạc mãi là ký ức không phai mờ, mãi cho ta ý thức về nguồn cội và còn là cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ trải cảm xúc, thả hồn sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy lãng mạn. Đã biết bao thế hệ văn nghệ sĩ đến với dòng sông này, đi rồi lại muốn quay trở lại, bởi tình yêu với dòng sông, con phố ấy là vô tận.

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mĩ, dù bom rơi, đạn nổ thì hình ảnh dòng sông vẫn hiện lên đầy chất thơ: “Trăng đã lên đêm lả về sau/ Anh đi bên dòng Tam Bạc/ Thủy triều lên thao thức/ Con sóng giống như cuộc đời anh” (“Viết cho em từ cửa biển” - Lưu Quang Vũ).

Không chỉ đi vào thơ ca, phố sông Tam Bạc là đề tài không bao giờ vơi cạn của nhiếp ảnh, hội họa. Cách đây hơn một thế kỷ, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp về dòng sông này để hôm nay chúng ta mới có được hình hài của con phố này thuở ban đầu. Tam Bạc cũng đi vào tranh của các họa sĩ tài danh: Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân; của các họa sĩ đất cảng nặng lòng với dòng sông như: Thọ Vân, Nguyễn Hà, Lê Đại Chúc, Đặng Tiến…

Dòng sông cũng như cuộc đời con người, có lúc thăng, lúc trầm, những khúc quanh. Sông Tam Bạc từng đã một thời đầy sôi động, hối hả nhịp sống, nhưng rồi có một thời gian dài trầm lắng. Dòng sông có chăng chỉ còn là nơi để các văn nghệ sĩ trở về hoài niệm một thời đã qua với những đường cong, mái nhà lô xô, con nước vơi đầy…

Nhưng rồi hôm nay. Khi thành phố Cảng đang trên con tàu tiến ra biển lớn, đô thị Hải Phòng thay da, đổi thịt từng ngày, trong nhịp sống hiện đại, thật mừng thay phố cổ bên sông Tam Bạc đã được hồi sinh.

Có một Hải Phòng xưa đang được những thế hệ con cháu tâm huyết, miệt mài phục dựng. Đường được mở rộng, sông được khơi thông, kè chắc chắn, những ngôi nhà cũ được bảo tồn. Cả Đảng bộ, chính quyền thành phố đã nỗ lực tới mức cao nhất để nơi này mãi mãi là tài sản, di sản vô giá của người dân Hải Phòng.

Bước sang năm mới 2019, Tam Bạc sẽ trở thành phố đi bộ. Người Hải Phòng và du khách gần xa sẽ lại được trở về với một dòng sông văn hóa, nơi chứa đầy những ký ức được kết tinh từ hàng trăm năm trước.

Đến đây du khách không chỉ được thả hồn mình vào không gian phố cổ, bên dòng sông như dải lụa mềm mà còn được thưởng thức những món ăn miền biển cực kỳ hấp dẫn; bánh đa cua, nem cua… được xem những tác phẩm nghệ thuật và được nghe những bài hát đầy chất nắng và gió của vùng đất con người Hải Phòng.

Xuân Kỷ Hợi 2019 đang gõ cửa, một sức sống thanh xuân đang bật lên trên thành phố Hoa Phượng Đỏ, trên phố sông Tam Bạc.

Đỗ Xuân Trung

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông