Tìm phương án để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ ven biển

15:37 06/08/2024

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình được triển khai từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Gần đây, dự án dừng xây dựng gây ảnh hưởng tới giao thông, hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân và cũng tác động tới sự phát triển của Hải Phòng. Nguyên nhân là có nhiều khó khăn, vướng mắc và thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để tìm hướng giải quyết.

                                                                                Vướng mắc phát sinh từ cơ chế

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng theo 2 dự án. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT (dự án BOT) với tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án là vốn Trái phiếu Chính phủ 720 tỷ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hải Phòng; vốn do nhà đầu tư huy động: 3.000 tỷ đồng).

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình (dự án mở rộng) với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 400 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 550 tỷ đồng).

                                                                          Tuyến đường đang tạm dừng thi công

 Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án BOT bắt đầu triển khai từ năm 2018. Đến nay, đã qua 6 năm nhưng mới hoàn thành khoảng 72% giá trị hợp đồng xây lắp (1.900 tỷ đồng). Việc chậm tiến độ triển khai dự án BOT kéo theo việc không thể triển khai và hoàn thành dự án mở rộng (mới hoàn thành được khoảng 52% giá trị hợp đồng) theo tiến độ được phê duyệt (31/12/2024) do phát sinh vướng mắc trong việc phối hợp thi công giữa dự án mở rộng và dự án BOT (các hạng mục công việc thuộc dự án BOT phải được thi công trước, trên cơ sở hình thành tuyến đường của dự án BOT, dự án mở rộng mới có đủ điều kiện để triển khai).

Hiện nay, tiến độ thi công công trình dự án BOT tiếp tục chậm khoảng 13 tháng so với thời gian đã được gia hạn (phải hoàn thành vào tháng 6/2023) và sẽ tiếp tục kéo dài do việc điều chỉnh lãi suất vốn vay chưa thể xử lý ngay và cũng chưa xác định được thời điểm xử lý, phương án xử lý. Việc chậm tiến độ triển khai của 2 dự án nêu trên làm ảnh hưởng đến kết nối giao thông, phát triển kinh tế xã hội khu vực Đông Nam của thành phố nói riêng và cả thành phố nói chung, gây  bức xúc trong nhân dân.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện dự án BOT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan (như: ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; khan hiếm nguồn cung cấp vật liệu thi công; tình trạng bão giá các loại vật liệu chính; khó khăn về tuyển dụng và biến động chi phí nhân công), dự án còn gặp phải vướng mắc lớn nhất liên quan đến khả năng tiếp tục huy động vốn vay do chênh lệch lãi suất vốn vay. Cụ thể, chênh lệch mức lãi suất vốn vay thực tế và mức lãi suất theo quy định của hợp đồng quá lớn (khoảng từ 5-6%), làm phát sinh chi phí phải chịu của nhà đầu tư mà không được phép thu phí đường bộ tuyến đường này để thu hồi vốn là khoảng 1.900 tỷ đồng vốn (khoản chênh lệch giữa lãi suất thực tế phải trả và lãi suất được thu phí hoàn vốn quy định tại hợp đồng đã ký kết), dẫn đến nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại.

Theo phương án tài chính xác định tại hợp đồng đã ký kết, với mức lãi suất quy định tại hợp đồng, nhà đầu tư sẽ chỉ được phép thu phí đường bộ khoảng 13 năm 5 tháng để thu hồi vốn; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh lãi suất vốn vay thì cần kéo dài thời gian thu phí thành 18 năm 7 tháng để thu hồi vốn.

  Tìm hướng giải quyết

Trước tình trạng trên, UBND  thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để cho phép điều chỉnh lãi suất vốn vay theo quy định hiện hành (theo mức lãi suất vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại) thay vì mức lãi suất theo quy định tại hợp đồng đã ký kết (lãi suất trung bình các phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ). Đồng chí Bí thư Thành uỷ và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã 2 lần làm việc trực tiếp với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính để giải trình cụ thể các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Ngày 13/12/2023, Bộ Tài chính có Văn bản số 13711/BTC-ĐT trả lời và đề nghị UBND thành phố chủ động phối hợp, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải về vướng mắc trong điều chỉnh lãi suất vốn vay dự án để tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngày 18/01/2024, UBND thành phố  có Văn bản số 130/UBND-GT gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh lãi suất của dự án và đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả do việc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về đầu tư theo phương thức PPP của cả nước để có phương án xử lý tổng thể cần có thời gian để thực hiện.

Cầu Văn Úc trên tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đã được hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng do toàn tuyến chưa thông. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa

Việc tiếp tục kéo dài tiến độ dự án BOT không chỉ ảnh hưởng đến việc kết nối giao thông tuyến đường bộ ven biển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi, hiệu quả đầu tư của các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã ba Vạn Bún đường Lý Thái Tổ, quận Đồ Sơn; dự án đầu tư xây dựng đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển. Vì vậy, trong thời gian vừa qua thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có phương án, giải pháp khắc phục ngay các vấn đề tồn tại của hợp đồng BOT nêu trên.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú, qua xem xét, đánh giá cho thấy, nhà đầu tư không còn khả năng huy động vốn để thực hiện dự án khi chưa được điều chỉnh lãi suất vốn vay của dự án. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố báo cáo và được Ban Thường vụ Thành uỷ cho phép tiến hành các thủ tục thương thảo, đàm phán để chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn tại Thông báo số 2150-TB/TU ngày 3/7/2024. Trong quá trình thương thảo, đàm phán sẽ xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên để xử lý theo quy định, đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước. Kết quả đàm phán xử lý hợp đồng BOT sẽ là cơ sở để đề xuất phương án triển khai tiếp theo (lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc sử dụng vốn đầu tư công để hoàn trả chi phí đã đầu tư và thực hiện các hạng mục còn lại của hợp đồng BOT) để có thể hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án BOT.

Theo quy định pháp luật về PPP hiện hành (Khoản 3 Điều 52 và điểm b Khoản 2 Điều 89 Luật PPP), cơ quan ký kết hợp đồng phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi chấm dứt hợp đồng. Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư, do vậy, cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định. Theo đó, trình tự thủ tục và tiến độ cụ thể gồm thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, quyết định, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2024.

 Tiếp đó, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng BOT và đề xuất phương án triển khai tiếp theo (lựa chọn nhà đầu tư mới để hoàn trả chi phí đã đầu tư và thực hiện các hạng mục còn lại của hợp đồng BOT hoặc sử dụng vốn đầu tư công), dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2025.

 Song song với đó, thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án mở rộng và tiếp tục triển khai thi công, dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12/2025.

 Dự kiến, các bên thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT theo quy định, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Đồng thời, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mới để thực hiện dự án hoặc thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công. Dự kiến có thể khởi công vào qúy 2-2026 và hoàn thành trong quý 3- 2027.

  Trong thời gian chờ thực hiện việc xử lý dự án BOT, để có thể sớm khai thác tuyến đường bộ ven biển phục vụ nhu cầu giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển, ngay sau khi các bên đã hoàn thành công tác thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (dự kiến tháng 10/2024), UBND thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh dự án mở rộng theo hướng điều chuyển khối lượng mái taluy và nền đường phía phải tuyến của dự án BOT sang dự án mở rộng đoạn từ Km12+800 - Km19+645 để có thể tiếp tục thi công một cách độc lập, không còn phụ thuộc vào dự án BOT (theo phương án thiết kế ban đầu, tuyến đường thuộc dự án mở rộng sẽ thi công áp sát vào mái taluy của tuyến đường dự án BOT sau khi đã thi công xong để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ giữa 2 tuyến đường), dự kiến hoàn thành dự án mở rộng trong năm 2025.

Việc điều chỉnh dự án nêu trên sẽ phát sinh chi phí khoảng 180 tỷ đồng. Thành phố dự kiến sử dụng chi phí dự phòng và chi phí tiết kiệm sau đấu thầu, đảm bảo không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt./.

                                                                                                                              Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích