Ai Cập sẽ tổ chức vòng đàm phán hòa bình thứ hai giữa Israel và Palestine tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên bờ biển Đỏ trong hai ngày14 và 15-9. Sự kiện này được hy vọng sẽ có kết quả tốt, chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài suốt 6 thập niên qua giữa Palestine và Nhà nước Do Thái Israel.
| |
Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã nối lạiđàm phántrực tiếp tại Washington (Mỹ) ngày 2-9 vừa qua sau gần hai năm đình trệ (các cuộc đối thoại hòa bình trực tiếp Israel - Palestine rơi vào bế tắc tháng 12-2008 khi Israel phát động cuộc tấn công vào dải Gaza) Vòng đàm phán 2-9 được tổ chức tại tòa nhà của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Những vấn đề được đề cập đến tại cuộc đàm phán này là việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ bị chiếm đóng, tình trạng của Jerusalem, biên giới của một nhà nước Palestine trong tương lai... Cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa hai bên trong thời hạn 1 năm.
Tiếp nối thành công của ngày đàm phán 2-9, các bên đã quyết định sẽ mở vòng đám phán ở Ai Cập vào trung tuần tháng này. Đánh giá về sự kiện sắp diễn ra, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak khẳng định vấn đề Palestine sẽ vẫn là "chìa khóa" cho an ninh khu vực và giải quyết tất cả các cuộc khủng hoảng cũng như những vấn đề khác ở Trung Đông. Ông Mubarak tái khẳng định quyết tâm của Ai Cập tiếp tục các nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán và thống nhất Palestine, cho đến khi đạt được "một nền hòa bình thực sự, bảo đảm an ninh cho tất cả các bên, chấm dứt chiếm đóng, tiến tới thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem".
Đánh giá về những tín hiệu mới của hoà bình Trung Đông, Thủ tướng Israel tuyên bố rằng, một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên chỉ có thể đạt được khi Palestine cam kết sẽ bảo đảm an ninh cho người Israel cũng như công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái Israel. Trong khi đó, phía Palestine, ông Abbas kêu gọi Israel chấm dứt mọi hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và chấm dứt phong tỏa dải Gaza. Nhiều năm qua, hai nước này đã tiến hành không ít các cuộc đàm phán hoà bình dưới sự bảo trợ của các quốc gia khác như Arập, Mỹ... nhưng khi chưa đạt được sự thống nhất cuối cùng thì lại xảy ra bất đồng.
Trong khi đó, từ Jerusalem, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết nước này có thể trao cho người Palestine một phần thành phố Jerusalem trong khuôn khổ một hiệp định toàn diện, theo đó sẵn sàng nhượng lại các khu vực Arập ở Đông Jerusalem cho Nhà nước Palestine tương lai. Nhật báo Ha'aretz (Israel) dẫn lời ông Barak tuyên bố giải pháp chia cắt Jerusalem có thể sẽ được phía Israel chấp thuận và sẽ gắn liền với một "chế độ quản trị đặc biệt" vùng đất Thánh của 3 tôn giáo lớn.Tuy nhiên, đề xuất trên không phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Netanyahu và ông sẽ không thảo luận vấn đề này trong bất kỳ thỏa thuận nào với Tổng thống Palestine.
Trước đây, giải pháp chia Jerusalem đã từng được thủ tướng tiền nhiệm thuộc cánh tả là ông Ehud Olmert đưa ra cách đây 2 năm khi đàm phán với nhà lãnh đạo Palestine Abbas, nhưng cuối cùng đàm phán thất bại. Nhà nước Israel luôn coi Jerusalem, bao gồm cả phần phía Đông của người Arập, mà họ chiếm được sau cuộc chiến tranh năm 1967, là thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt của Nhà nước Do thái. Trong khi đó, Palestine tuyên bố phần phía Đông của thành phố này là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
VIỆT ANH (tổng hợp) |