Trách nhiệm đại biểu và niềm tin của nhân dân

17:12 25/01/2016

Trong tuần qua, sự kiện chính trị quan trọng nhất được cả dân tộc hướng tới, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đúng như kỳ vọng của các đại biểu và nhân dân cả nước, không khí những ngày đầu diễn ra Đại hội đã thể hiện rõ sự dân chủ, thẳng thắn.

Những đổi mới, sự thẳng thắn và những nội dung cốt lõi của Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc đại hội sáng 21-1 được các tầng lớp nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Nội dung về 30 năm đổi mới, đặc biệt là những thành tựu, tồn tại, khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ qua được đánh giá đúng mức. 

Cũng với tinh thần đó, các đại biểu dự Đại hội cũng đã thẳng thắn thảo luận, góp ý cho các văn kiện của Đại hội. Rất nhiều tham luận đã thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu trước vận mệnh của đất nước, dân tộc. Nhiều vấn đề “nóng” được phân tích, trao đổi để nhìn rõ hơn những mặt đã làm được, những khó khăn, những mặt còn tồn tại, thậm chí là những thứ trì trệ, cản trở phải dỡ bỏ, cải cách. 

Báo cáo tham luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã được đánh giá cao khi Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận: “Thực tế năm năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt kết quả nhất định. Nhưng đổi mới hệ thống chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới năm năm qua chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chính nó làm căn bản cuộc sống, đưa đất nước phát triển. Tuy vậy, bao năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách…”.

Có thể nói, không thể chậm chễ hơn nữa, chính Đảng, hệ thống chính trị cũng cần nghiêm khắc nhìn vào chính những hạn chế của mình để không tạo ra lực cản cho nền kinh tế. Có như thế mới giữ vững được niềm tin của nhân dân, và có niềm tin thì mọi trở ngại sẽ vượt qua.

Ngoài ra, Đại hội cũng ghi nhận rất nhiều tham luận tâm huyết của các đại biểu về các vấn đề hệ trọng của đất nước như chủ quyền quốc gia; vấn đề đối ngoại; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; những thách thức hội nhập kinh tế, các vấn đề kinh tế - xã hội, dân sinh khác… Các tham luận được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. 

Có thể nói, chính sự thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm trong từng ý kiến, tham luận tại Đại hội đã tiếp thêm niềm tin cho nhân dân và hy vọng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, đổi mới đồng bộ, Đảng sẽ đưa ra các quyết nghị phù hợp để đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Theo Linh Nhật/ANTD


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông