Trong gần một thập niên qua, lễ tưởng niệm hàng năm vụ tấn công khủngbố ngày 11-9 được xem như là một ngày đoàn kết quốc gia và tưởng nhớ ởMỹ. Nhưng năm nay, các vấn đề tranh cãi về tự do tôn giáo và bản sắcdân tộc đã đe dọa lễ tưởng niệm lần thứ 9 của sự kiện bi thảm năm xưa.
| Khu vực tháp đôi sụp đổ |
Khi lễ tưởng niệm đã cận kề, các tranh cãi về lời kêu gọi đốt kinh Koran của một mục sư Mỹ và phản ứng xung quanh kế hoạch xây dựng một trung tâm văn hoá Hồi giáo ngay trên nền đất mà trước kia vốn là toà tháp đôi WTC đã tạo ra những chú ý đặc biệt. Các tranh luận về việc ai "mạnh mẽ" trong cuộc chiến chống khủng bố, ai không bị “ngã quỵ” bởi các câu hỏi về Hồi giáo và tự do tôn giáo… đã khiến không khí tưởng niệm 11-9 ở Mỹ năm nay “sôi sùng sục”.
Ngày 7-9 vừa qua, mục sư Terry Jones, chủ trì một nhà thờ nhỏ ở bang Florida, tuyên bố ông ta sẽ đốt các bản sao của kinh Koran vào 6h chiều 11-9 (theo giờ Washington, tức sáng mai theo giờ Hà Nội). Mục đích của Jones là muốn ngăn cản dự án xây dựng Trung tâm Hồi giáo gần Khu vực số 0 (Ground Zone) ở thành phố New York – nơi trước kia từng là vị trí của toà tháp đôi WTC. Ngay lập tức, hàng loạt lời kết án “bay” tới tấp đến vị mục sư này, từ cả trong và ngoài nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Tướng David H. Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan, đã cảnh báo rằng hình ảnh cuốn sách thiêng của Hồi giáo cháy ngùn ngụt trong lửa có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của binh lính Mỹ, đặc biệt những người đang đồn trú tại Iraq và Afghanistan.
Cả Nhà Trắng và đại diện phe bảo thủ ở Mỹ như cựu thống đốc bang Alaska – bà Sarah Palin – cũng kịch liệt chỉ trích kế hoạch của mục sư Terry Jones. Tổng thống Barack Obama cho rằng hành động đốt kinh Koran đang "đi ngược lại những giá trị quốc gia". Ông cảnh báo kế hoạch đốt kinh Koran của Terry Jones có thể bị mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda sử dụng như một công cụ nhằm chiêu mộ các phần tử khủng bố, tiến hành các vụ đánh bom tự sát, đồng thời kêu gọi vị mục sư này cân nhắc lại ý định trên.
Chính quyền các nước có đông tín đồ Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Iran, Iraq, Pakistan, Kuwait… gọi kế hoạch của mục sư Jones là một hành động "ghê tởm," biểu thị sự công kích nhằm vào các tín đồ Hồi giáo. Tổng thư ký Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) Ronald Noble cảnh báo về nguy cơ lớn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người vô tội trên khắp thế giới nếu việc đốt kinh Koran xảy ra. Ông khẳng định mặc dù chưa có thông tin cụ thể về hình thức tấn công sẽ được thực hiện, song rõ ràng là việc đốt kinh Koran sẽ gây ra những hậu quả rất bi thảm…
Những lo sợ đã tạm lặng khi trong ngày 9-9, mục sư Terry Jones tuyên bố sẽ không đốt kinh Koran vì đã đạt được thoả thuận với các lãnh đạo Hồi giáo ở Mỹ về việc không xây dựng trung tâm văn hoá đạo Hồi ở gần khu vực Khu vực số 0. Tuy nhiên, đến sáng 10-9 (theo giờ Hà Nội), vị mục sư này bất ngờ tuyên bố sẽ xem xét lại việc đốt kinh Koran vì lãnh đạo Hồi giáo Mỹ… “nuốt lời”. Terry Jones phát biểu: “Cho đến lúc này, chúng tôi không có ý định hủy việc đốt kinh mà chỉ trì hoãn sự kiện đó”…
Một câu hỏi đặt ra là tại sao người Mỹ, mà điển hình là mục sư Terry Jones, lại nhạy cảm với một công trình Hồi giáo xây dựng gần khu vực bị khủng bố tấn công ngày 11-9-2011? Các nhà quan sát cho rằng điều này xuất phát từ việc bấy lâu nay người Mỹ không thiện cảm với đạo Hồi, nhất là khi thủ phạm của vụ khủng bố 11-9 là các tín đồ của đạo này.
Một cuộc thăm dò gần đây của báo Washington Post và kênh truyền hình ABC News cho thấy, 2/3 số người Mỹ được hỏi đã phản đối việc xây dựng trung tâm Hồi giáo gần địa điểm cũ của tòa tháp đôi. Cứ bốn trong năm những người này nói rằng sự phản đối của họ là đúng vì vị trí xây dựng quá nhạy cảm, nếu ở nơi khác thì có thể chấp nhận được. Khoảng 14% những người phản đối (hay 9% tất cả người Mỹ) thì nói rằng họ sẽ kiên quyết ngăn chặn xây dựng một trung tâm Hồi giáo ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Mỹ.
Cuộc thăm dò khác của ABC News lại cho thấy gần một nửa người dân Mỹ (49%) đang giữ quan điểm “khó chịu” với đạo Hồi, so với 37% những người có cách nhìn cởi mở hơn. Hai con số này ít thay đổi trong mấy năm gần đây, nhưng lại tiêu cực hơn so với 8 năm trước. Đơn cử, tháng 10-2002, 47% người dân Mỹ nói rằng họ đã có một cái nhìn thoải mái với đạo Hồi và chỉ 39% nói rằng họ “vẫn ác cảm” với tôn giáo này.
Cũng theo cuộc thăm dò trên, khoảng 1/3 dân số Mỹ hiện nay tin rằng chính thống Hồi giáo đang khuyến khích áp dụng bạo lực đối với những ai không theo tôn giáo này. Trong khi 54% người dân Mỹ nghĩ rằng Hồi giáo cũng hoà bình như mọi tôn giáo khác mà thôi. Như vậy, số người Mỹ cho rằng “Hồi giáo đồng nghĩa với bạo lực” đã tăng gần gấp đôi so với cuộc thăm dò năm 2002.
Từ kết quả các cuộc thăm dò trên có thể lý giải tại sao thái độ đối với các dự án ở khu vực Lower Manhattan (nơi có toà tháp đôi bị sập) dường như đang liên quan chặt chẽ đến nhận thức chung về Hồi giáo của người Mỹ. Và Mục sư Jones là hình ảnh thu nhỏ về một ai đó ở bên rìa nền chính trị Mỹ nhưng lại có thể thu hút sự chú ý và tạo ra tia lửa có thể bùng phát thành thảm kịch mới.
VIỆT ANH (lược dịch từ Washington Post, 10-9-2010) |