Phiên họp toàn thể Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) đã chính thức khai mạc sáng 4-6, tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Tham dự Hội nghị có đại diện 28 nước. Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh và đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã tham dự.
| |
Đối thoại Shangri-La 10 có sáu phiên họp toàn thể. Tại hội nghị, các đại biểu tham dự có các bài phát biểu với các chủ đề gồm các thách thức an ninh mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các học thuyết và khả năng quân sự mới tại châu Á; phân phối quyền lực mới tại châu Á và tác động của nó với khu vực; lợi ích an ninh quốc tế của Trung Quốc; đối phó với những thách thức an ninh biển mới; và xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, vấn đề an ninh biển được các đại biểu cũng như các học giả đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định Mỹ muốn gắn kết hơn với châu Á trong thế kỷ 21. Ông bày tỏ lạc quan rằng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ là cơ chế chủ chốt để thúc đẩy giải quyết các vấn đề mà các quốc gia cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình.
Trong phiên họp hôm qua (5-6), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đại tướng Phùng Quang Thanh có bài phát biểu mang tên “Đối phó với những thách thức an ninh hàng hải mới”. Trước đó, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - thượng tướng Lương Quang Liệt chiều 3-6, đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn. Ông đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước, cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.
Cùng phiên họp hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt phát biểu khẳng định Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với hòa bình ở châu Á. Quân đội Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí mới song mục đích chủ yếu là để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Ông Liệt nói: “Nhiều người cho rằng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa về quân sự. Đấy không phải là một sự lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi không theo đuổi tham vọng bá quyền. Chúng tôi không bao giờ có ý định đe dọa bất cứ nước nào”.
Trước đó, tối 3-6, phát biểu tại tiệc khai mạc Đối thoại Shangri-la 10, Thủ tướng Malaysia Naijib Razak bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn để thay thế Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Theo ông, không nên để những bất đồng về vấn đề này leo thang vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao. Ông cũng đưa ra sáu nguyên tắc nhằm mang lại sự hợp tác an ninh quốc phòng hiệu quả hơn trong khu vực.
VIỆT ANH (tổng hợp) |