Tự hào là lính pháo cao xạ

00:34 06/05/2014

 

Tròn 16 tuổi, ông Trần Vát, ở số 1A, ngõ 67 Máy Chai, Ngô Quyền tạm biết quê hương đất Cảng lên đường tòng quân. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là lính pháo cao xạ thuộc Đại đội 816, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, cùng pháo cao xạ 105 ly đánh trận mở màn trên đồi Him Lam.

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử này, ông Vát lại trào dâng niềm xúc động, nghẹn ngào khi tưởng nhớ những đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa, giờ đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Ký ức của những trận đánh hào hùng lại ùa về trong ông như một niềm vinh dự và tự hào của một thời trai trẻ. Năm 1953, ông cùng nhiều đồng đội được tham gia lớp huấn luyện pháo cao xạ. Đây là lực lượng nòng cốt của Trung đoàn pháo cao xạ 367 - trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1954, đơn vị ông nhận lệnh gấp rút chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn được phổ biến kỹ lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải giữ bí mật binh chủng đến cùng! Nếu các đồng chí hành quân đến đích an toàn, bí mật là đạt đến 60% thắng lợi”.

Ông Vát kể lại: “Sau khi dừng chân ở điểm tập kết chiến đấu, những khẩu pháo nặng 2,5 tấn sẽ vượt qua đèo, núi cao, vực sâu thăm thẳm chuẩn bị trận chiến tại lòng chảo Điện Biên. Việc kéo pháo dùng sức người là chủ yếu, do bộ binh thuộc sư đoàn 312 và 316 thực hiện. Mô-ran - loại máy bay trinh sát, chỉ điểm rất lợi hại của địch liên tục lượn vòng nghiêng ngó nhưng vẫn không phát hiện được 24 khẩu lựu pháo 105 ly và 24 khẩu cao pháo 37 ly của Việt Minh ẩn náu dưới các tán rừng già. Do phương châm tác chiến thay đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nên đúng mùng 2 Tết, các chiến sĩ trung đoàn lại nhận lệnh kéo pháo quay lại điểm tập kết, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu”.

Chiều 13-3-1954, chiến dịch mở màn đánh đồi Him Lam, cùng với lựu pháo 105 ly, hỏa lực 37 ly của Trung đoàn 367 bất ngờ giáng lên đầu thực dân Pháp những đòn hiểm hóc. Những luồng đạn lửa và những chùm đạn trên không đã khiến phi công Pháp trong phi đội 14 vô cùng hoảng hốt, tán loạn đội hình, bay vọt lên cao, cắt bom cho nhanh để trốn thoát, một chiếc F8F bị thương. Chiều 14-3-1954, Đại đội 816 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay đầu tiên của không quân Pháp. Những ngày tiếp theo, Trung đoàn 367 bắn rơi 14 máy bay, bắn hỏng 25 chiếc khác. Đánh thắng trận Him Lam, Đại đội 816 thành lập trận địa dưới chân đồi, sẵn sàng chờ lệnh tấn công lên đồi Độc Lập.

Ông Vát (đội mũ đứng giữa) hội ngộ cùng đồng đội
Ông Vát (đội mũ đứng giữa) hội ngộ cùng đồng đội

“Cuối tháng 4-1954, Đại đội 816 nhận lệnh chuyển gấp trận địa xuống phía Nam, áp sát cụm cứ điểm Hồng Cúm nhằm phát huy hỏa lực, góp phần cắt đứt đường tiếp tế trên không của địch. Mệnh lệnh đêm 26-4-1954, toàn đội phải chiếm an toàn trận địa tại phía Đông, Nam bản Noong Nhai, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, cách cụm cứ điểm Hồng Cúm khoảng 700m. Chúng tôi phải kéo pháo trên đoạn đường dài khoảng 6km, nhưng đội hình xe pháo phải men theo chân dãy núi phía Đông Mường Thanh rồi lượn theo sát đồi A1, tất cả phải đảm bảo an toàn và bí mật. Ta và địch giành nhau từng tấc đất trên căn cứ then chốt này” - ông Vát nhớ lại.

Đại đội 816 chiếm lĩnh trận địa lúc 2h sáng 27-4-1954. Sáng hôm sau, sương tan dần, trận địa pháo cao xạ như lưỡi dao sắc nhọn cắm bên sườn cụm cứ điểm Hồng Cúm. Đêm hôm đó, ông Vát cùng cán bộ, chiến sỹ Đại đội 816 không kịp chơp mắt, hối hả kiểm đếm pháo đạn, củng cố công sự, hoàn tất phương án bắn máy bay, đánh xe tăng, bộ binh địch. Đúng 10h sáng 27-4-1954, ba loạt điểm xạ của pháo 37 ly từ trận địa Hồng Cúm đánh trúng đội hình 2 chiếc máy bay vận tải C119 của địch. Những chiếc máy bay trúng đạn, cổ ngóc lên cao chạy trốn, trút xuống những chùm dù tiếp tế thương thực, thực phẩm và thuốc men, khắp trận địa.

Những ngày tiếp theo, Đại đội 816 vừa bắn máy bay địch, vừa đối phó với những đợt pháo kích của địch từ cụm cứ điểm Hồng Cúm bắn tới. Trong các trường hợp, đơn vị luôn luôn phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là triệt cắt đường bay của địch tới Hồng Cúm, Mường Thanh. Tổng kết chiến dịch Đại đội 816 bắn rơi 8 máy bay, Tiểu đoàn 383 bắn rơi 18 máy bay và bắn bị thương 111 máy bay. Toàn trận Điện Biên Phủ tiêu diệt 62 máy bay, riêng pháo cao xạ bắn rơi 52 máy bay…

Kết thúc chiến dịch Điện Biên, ông cùng đồng đội nhận lệnh hành quân xuống Cao Bằng lấy pháo về Đại Từ, Thái Nguyên, tham gia huấn luyện kỹ thuật chiến đấu để chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến bảo vệ thủ đô Hà Nội. Năm 1961, ông xuất ngũ, trở về địa phương. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Vát vẫn nhiệt tình trong công việc. Với cương vị là Phó chủ tịch Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Hải Phòng, ông thường xuyên đến động viên, thăm hỏi, chia sẻ buồn vui tuổi già, vận động hội viên tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sống vui, sống khỏe, sống có ích, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Hồng Hải


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông