Về đâu nghề muối Bàng La

20:36 18/08/2020

Phường Bàng La, quận Đồ Sơn được biết đến là vùng đất nổi tiếng với những trái táo “muối” thanh ngọt. Nhưng ít ai biết rằng, nơi bạt ngàn những cây táo ấy trước kia vốn là những ruộng muối trắng ngần. Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề muối Bàng La dần lụi bại và giờ chỉ còn hơn 10 hộ sống chết với nghề. Với họ điều quan trọng hơn cả là cố làm sao giữ được giá trị truyền thống của cha ông xưa…

 

Người dân thu hoạch muối

Nhạt dần những ô ruộng muối

Về Tổ dân phố Đông Hải, phường Bàng La vào những ngày nắng chói giữa trưa hè tháng 7, chúng tôi gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh đang cần mẫn xúc từng xẻng cát tãi ra ruộng để chuẩn bị cho mẻ muối mới. Vừa thoăn thoắt đôi tay xúc cát, chị Thanh vừa tâm sự, trước đây, không chỉ ở thôn Đại Thắng (nay là 3 Tổ dân phố Đông Hải, Trung Hải và Tây Hải), mà khắp các cánh đồng ở xã Bàng La (huyện Kiến Thụy trước kia) đều bao la trắng ngần những ruộng muối.

Không giống như cách làm muối ở miền Trung, miền Nam, do ở khu vực miền Bắc nước biển nhạt nên diêm dân phải tìm cách tăng độ mặn cho nước. Vì vậy, nghề làm muối ở Bàng La được sản xuất theo phương pháp “chạt”. Khi làm muối, diêm dân trải lớp cát mỏng trên ruộng muối rồi dẫn nước biển về tát lên.

 

Những hạt muối trắng tinh được người dân địa phương sử dụng để ướp cá thu một nắng hoặc làm mắm chắt

 

Nắng làm nước bốc hơi, từng hạt muối nhỏ li ti kết tinh bám chặt vào cát. Cuối mỗi ngày, diêm dân sẽ gom cát phơi lại rồi đổ vào “chạt”, lèn chặt rồi cho lượng nước biển vừa đủ và lọc lấy nước trong, đem phơi thành muối. Chị Thanh cho biết thêm, làm theo phương pháp “chạt” vô cùng vất vả song sẽ giúp muối Bàng La giảm vị mặn chát hơn so với muối được phơi trực tiếp từ nước biển, nên được thị trường ưa chuộng.

Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, khi muối miền Nam, muối nhập khẩu đưa về ồ ạt với mức giá chỉ rẻ bằng nửa thì muối “chạt” Bàng La bị mất chỗ đứng trên thị trường nhà. Diêm dân quanh năm đầu tắt mặt tối mà thu nhập từ nghề này không đủ sống. Nhiều người đã phải cay đắng bỏ nghề, chuyển đổi sang trồng táo, cà chua,… Bản thân gia đình chị Thanh cũng cũng bỏ 1 sào trong tổng số 4 sào ruộng muối để trồng táo.

 

Cát được phơi được gom lại, đổ vào chạt

Theo ông Nguyễn Đắc Trụ, 72 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Bàng La (cũ) cho biết, giai đoạn 1987-1988, cả xã Bàng La từng có tới 4 HTX sản xuất muối gồm Đại Phong, Đại Thắng, Quyết Tiến và Đồng Tiến. Tổng diện tích làm muối khi đó lên tới 134 ha với hơn 1.600 xã viên, mỗi năm làm ra hơn 7.000 tấn sản phẩm.

Đến nay,  người dân Quyết Tiến và Đồng Tiến đã bỏ hẳn nghề. Ở Đại Phong (nay là 3 Tổ dân phố Trung Lộc, Trung Quý và Trung Hòa) và Đại Thắng, hiện còn hơn 10 hộ còn giữ nghề, lượng muối cung cấp ra thị trường mỗi năm chỉ đạt khoảng hơn 5 tấn.

 

Với 3 sào ruộng muối, mỗi năm gia đình chị Thanh thu nhập trung bình được 50-60 triệu đồng

Trăn trở nỗi lo giữ nghề

Mặc dù số hộ còn sống chết với nghề làm muối trên địa bàn phường Bàng La không nhiều, song khoảng 3 năm trở lại đây, khi táo Bàng La bắt đầu chững lại thì muối “chạt” truyền thống bỗng lại được người tiêu dùng đón nhận. Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết, gắn bó với nghề làm muối từ năm 12 tuổi, trải qua bao thăng trầm, đến nay muối Bàng La vẫn được người tiêu dùng đón nhận là điều mà chị và bà con còn đau đáu gắn bó với nghề luôn mong mỏi.

Hiện tại, muối gia đình chị làm ra được thương lái đến tận nhà thu mua với mức giá 10 nghìn đồng/kg, gấp 1,5-2 lần so với muối nơi khác. Tính ra, với 3 sào ruộng muối, mỗi năm gia đình chị thu nhập trung bình được 50-60 triệu đồng, gấp 2 lần trồng táo. Còn theo chị Nguyễn Thị Tâm, ở Tổ dân phố Bàng Thượng, cùng phường, đặc sản mắm chắt nổi tiếng của Bàng La sở dĩ ngon, đậm vị được khách hàng cả nước chuộng cũng là nhờ sử dụng muối sản xuất tại chính địa phương mình. Cùng với hộ làm mắm, chế biến hải sản khô, nhiều người dân địa phương cũng có thói quen chỉ dùng muối “chạt” Bàng La trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Người dân chuẩn bị đổ cát vào chạt để lọc lấy nước

Có thể nói, muối Bàng La đang có cơ hội lớn “tái xuất”, quay lại thị trường và được người tiêu dùng đón nhận là một tín hiệu vô cùng đáng mừng. Tuy nhiên, để vừa giữ được nghề truyền thống phát triển một cách bền vững, vừa bảo đảm thu nhập cao cho các hộ lại là một bài toán vô cùng nan giải.

Ông Cao Văn Bé - Chủ tịch UBND phường Bàng La trăn trở, hiện nay nhu cầu của thị trường đối với muối Bàng La chưa thực sự nóng. Nếu sản xuất ồ ạt trở lại, cung vượt cầu sẽ dẫn tới tình trạng muối tồn, người dân lại loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn không đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường thì cơ hội sẽ thoắt qua, khó trở lại.

Vì thế, thời gian tới, trên cơ sở tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, phường Bàng La sẽ động viên những gia đình hiện có ruộng muối bỏ hoang trên những khu vực còn giữ được hệ thống thủy lợi dẫn nước biển sản xuất muối trở lại. Hy vọng rằng bài toán về nghề muối “chạt” truyền thống của Bàng La sẽ được hóa giải với một đáp án khoa học, chuẩn xác nhất.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông