Về Đồ Sơn dự lễ hội Đảo Dấu

09:55 07/02/2019

Nằm tách biệt với đất liền, đảo Dấu được ví như viên ngọc quý của vùng đất cổ Đồ Sơn và là điểm đến du lịch đầy hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, người dân nơi đây lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội linh thiêng, nhằm cầu mong một năm ra khơi đầy may mắn, mưa thuận, gió hòa…
Đảo Dấu nhìn từ trên cao

Đảo Dấu hay còn có tên gọi “Cụ Dấu” nằm cách bán đảo Đồ Sơn gần 1km, như một viên ngọc quý được bao bọc bởi 9 ngọn núi như 9 con rồng đang hướng đầu về. Từ rất xa xưa, đảo Dấu được coi là vùng đất thiêng của xứ Đông. Đó là nơi che chắn cho làng Cổ Trai, trung tâm vương triều nhà Mạc (huyện Kiến Thụy ngày nay).

Không chỉ vậy, trên đảo Dấu còn có ngôi đền cổ thờ vị thần cai quản bể Nam. Theo truyền thuyết kể lại, vào đời nhà Trần, sau trận thủy chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, có một vị tướng đã anh dũng hy sinh. Thi thể ngài trôi dạt vào đảo Dấu và được ngư dân vớt lên, chờ trời sáng mai táng. Sáng hôm sau, ngay tại chỗ ngài nằm, mối đã đùn lên thành mộ.

Người dân Đồ Sơn lập tức lập miếu thờ, thành kính hương khói. Trong một dịp kinh lý ra Bắc, vua triều Nguyễn khi đi ngang qua đảo thì bất ngờ gặp sóng to gió lớn nên đã cho thuyền ghé vào đảo.

Thắp hương, khấn vái trong miếu xong thì trời quang mây tạnh. Vua thấy ngôi đền linh thiêng, liền ban chiếu phong là Nam Hải Thần Vương. Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương nằm ngay sát mép biển, núp dưới những bóng đa cổ thụ đã được vinh danh cây di sản. Hàng năm, cứ vào ngày giỗ của Thần (tức đầu tháng 2 Âm Lịch), người dân bản địa lại tưng bừng tổ chức Lễ hội đảo Dấu để tỏ lòng biết ơn thần Nam Hải Đại Vương luôn che chở, bảo vệ ngư dân có những chuyến ra khơi an toàn, bội thu.

Trải qua thời gian, Lễ hội đảo Dấu được duy trì đều đặn, trở thành điểm nhấn tâm linh và phong tục tập quán, tín ngưỡng của ngư dân vùng cửa biển Đồ Sơn nói riêng và ngư dân vùng duyên hải phía Bắc nói chung, đồng thời còn là dịp để du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về chiêm bái. Lễ hội diễn ra từ mồng 8 đến mồng 10 tháng 2 Âm lịch.

Theo đó, mồng 9 là ngày chính hội với phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy. Nghi lễ rước đèn được thực hiện từ lúc 23h đến sáng. Theo quan niệm của những người đi biển ở Đồ Sơn, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh để phù hộ cho nhân dân trong vùng.

Tại lễ rước đèn, các bè lễ trang trí rất cầu kỳ cùng đồ lễ được các tàu, thuyền của ngư dân kéo và thả trôi xuống biển. Điều đặc biệt là năm nào cũng vậy, cứ đến nửa đêm mồng 9, biển Đồ Sơn nếu đang bình lặng cũng nổi sóng, gió rất lớn và trời lất phất mưa. Nhưng ngay sau lễ tiễn thuyền giấy, trời yên biển lặng trở lại. Với người Đồ Sơn thì đó là điềm báo về một năm mới đầy bình an, may mắn.

Không chỉ mang đậm nét linh thiêng, đảo Dấu có diện tích hơn 10ha này còn chứa đựng đầy vẻ hoang sơ với những khu rừng nguyên sinh cùng hệ thống thảm thực vật dày đặc gồm quần thể cây đa búp đỏ, cây sanh, cây si cổ thụ… hàng nghìn năm tuổi. Len lỏi dưới những mái vòm lợp bằng lớp lớp lá cây cổ thụ, dây leo chằng chịt của khu rừng nguyên sinh thuần nhất là ngọn hải đăng Đảo Dấu - tòa lâu đài cổ kính giữa muôn trùng khơi.

Hải đăng đảo Dấu

Đây là công trình được người Pháp xây dựng từ những năm 1892 và đưa vào sử dụng từ năm 1898. Nó còn được ví như “mắt ngọc” của Tổ quốc, bởi suốt hơn 100 năm qua, vẫn đêm đêm bền bỉ làm nhiệm vụ dẫn đường cho những con tàu giữa mênh mông sóng nước nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy trường kỳ của dân tộc.

Đầu xuân này, nếu một lần được đặt chân lên đảo Dấu, tham dự các nghi lễ và hoạt động độc đáo của lễ hội; được tham quan, chiêm ngưỡng hệ thống rừng nguyên sinh cùng tòa nhà vút cao như tháp pháo đài cổ ở châu Âu, bạn hãy đừng bỏ qua cơ hội dạo quanh các bãi đá cổ của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Bãi đá ấy nằm bao bọc quanh đảo, theo thời gian được sóng biển bào mòn thành những hình thù lạ mắt, kỳ bí, nhấp nhô, tuyệt đẹp, vô cùng hấp dẫn. Vào lúc thủy triều xuống, du khách có thể trải nghiệm một ngày làm nông dân, theo chân người dân bản địa gõ hà đá. Loài nhuyễn thể này được người Đồ Sơn coi như “lúa của biển” bởi nó gắn liền với những món ăn nức tiếng như: hà xào xúc bánh đa, hà xào lá lốt, hà nấu canh chua…

Có thể nói, bất kỳ ai khi đã một lần đến với Lễ hội đảo Dấu khi trở về đều có được trong mình hành trang là những tấm ảnh đẹp cùng những trải nghiệm đầy thú vị. Và rất đúng như những gì mà dân gian vẫn truyền miệng: “Đến với đảo Dấu thì đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh - Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”.

Đó cũng là cách mà người dân Đồ Sơn nói riêng, du khách thập phương nói chung thể hiện sự tôn kính với vị thần đảo của mình.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông