Hải Dương: Bức tranh khởi sắc về kinh tế và diện mạo đô thị

09:42 31/01/2019

Trấn Đông xưa có vị trí quan trọng chiến lược trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Ngày nay nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giữa tam giác phát triển kinh tế năng động Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hải Dương xác định rõ mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Để thực hiện ước mơ này, tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất...

Xuân xưa và xuân nay

Trấn Đông xưa có vị trí quan trọng chiến lược trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Ngày nay nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giữa tam giác phát triển kinh tế năng động Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hải Dương xác định rõ mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Một góc thành phố Hải Dương

Để thực hiện ước mơ này, tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất...

Kết quả, trong nửa nhiệm kỳ qua (2016-2018), nền kinh tế của tỉnh liên tục đạt tăng trưởng khá và ổn định. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9,1% (cao hơn bình quân cả nước).

Trong đó khu vực nông- lâm nghiệp- thủy sản tăng 1,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,9%, dịch vụ tăng 8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong nền kinh tế tăng từ 86,3% (năm 2015) lên 90% (năm 2018).

Bên cạnh đó, Hải Dương tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiều dự án, khu, cụm công nghiệp được xây dựng mới với những chính sách kêu gọi đầu tư mạnh mẽ. Trong năm 2018, toàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp tăng vốn đầu tư với tổng số gần 300 triệu USD.

 Lượng vốn này tăng tập trung ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: Kefico Việt Nam, May Tinh Lợi, TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng, TNHH Best Pacific Việt Nam, TNHH Laurelton Diamonds Việt Nam... Với bước đi song song, tới nay, toàn tỉnh đã có 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 77,5%). Các huyện Kinh Môn và Cẩm Giàng, thị xã Chí Linh là những đơn vị đầu tiên cấp huyện, thị cũng đã hoàn thành nhiệm vụ này.

Đáng chú ý, năm 2018, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt con số cao “kỷ lục” với gần 16.300 tỷ đồng. Nguồn thu cao giúp tỉnh chủ động thực hiện mục tiêu tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách riêng của địa phương, đáp ứng được các nhu cầu chi ngày càng tăng, đồng thời tạo sự chủ động trong quản lý tài chính ngân sách cho các cấp, giúp khai thác tối đa nguồn lực để phát triển mọi mặt.

Được biết năm 2019, Hải Dương phấn đấu đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,5% so với năm 2018; thu ngân sách nội địa đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái, để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh đang đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (thu hút đầu tư).

Công tác giáo dục - đào tạo, y tế; khoa học và công nghệ... cũng sẽ được tăng cường để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; trong đó đặc biệt chú trọng việc tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cởi mở và thân thiện, an toàn, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sẽ có 2 thành phố

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mạng lưới đô thị Hải Dương trong tương lai là tiền đề cho vùng công nghiệp, du lịch, dịch vụ quan trọng.

Theo thống kê, Hải Dương hiện có 13 đô thị. Quy hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP Hải Dương, 1 đô thị loại III (TP Chí Linh), 3 đô thị đạt tiêu chí loại IV (Kinh Môn, Kẻ Sặt, Gia Lộc), 13 đô thị loại V, trong đó có 8 thị trấn cũ là: Cẩm Giàng, Lai Cách, Phú Thái, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và 5 thị trấn mới là Thái Học (Bình Giang), Tân Trường (Cẩm Giàng), Nghĩa An (Ninh Giang) và Nguyên Giáp, Hưng Đạo (Tứ Kỳ).

Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Hải Dương đang tích cực tập trung nâng cấp, mở rộng đô thị. Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 -2020 nêu rõ là: nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại 1 và thị xã Chí Linh lên thành phố trước năm 2020.

Hướng tới mục tiêu trên, thành phố Hải Dương đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian rộng gấp 4 lần thị xã trước đây; xây dựng 3 khu đô thị mới phía đông, phía tây và phía nam cùng hàng chục khu đô thị vừa và nhỏ khác, tổng diện tích các khu đô thị mới lên tới trên 1.500 ha. Thị xã Chí Linh đã quy hoạch mở rộng đô thị Sao Đỏ, Phả Lại và Bến Tắm.

Hiện các tiêu chí để thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại I và thị xã Chí Linh được công nhận là thành phố đã cơ bản hoàn thành. Cùng với đó, chuỗi thị trấn Kinh Môn - Minh Tân - Phú Thứ (Kinh Môn) đã được quy hoạch và kết nối hạ tầng để đạt các tiêu chí đô thị loại IV.

Tốc độ đô thị hóa các thị trấn trong huyện được đẩy nhanh là tiền đề để Kinh Môn trở thành thị xã trong thời gian tới. Song hành với Kinh Môn, theo định hướng, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) cũng sẽ mở rộng ra 5 xã lân cận với diện tích gấp 10 lần hiện nay, tích cực thu hút nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển thành đô thị loại IV.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị thế, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế và nội lực “người xứ Đông”, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc TW.

 Trong đó, tỉnh cần xây dựng, tổ chức quy hoạch với tầm nhìn xa, không mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với môi trường; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối hệ thống giao thông, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

HIẾU CHUNG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích