HẬU VỤ ÁN VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP TIỀN RA NƯỚC NGOÀI: Những kẻ giấu mặt sa lưới

11:28 19/09/2019

Trong khi đồng bọn lần lượt sa lưới và nhận hình phạt thích đáng trước pháp luật thì Nguyễn Văn Ất, sinh 1985, ở huyện Sóc Sơn và Nguyễn Mạnh Dũng, sinh 1986, ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, đã nhanh chóng tạo vỏ bọc, hòng thoát thân. Tuy nhiên, các dấu vết phạm tội của chúng mỗi ngày một lộ rõ qua sự phát hiện tố giác của quần chúng và quá trình điều tra chặt chẽ của lực lượng công an.
ss

Các đối tượng trong đường trong đường dây tại phiên tòa

Với quyết tâm không để sót lọt tội phạm, lực lượng điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì thu thập tài liệu, chứng cứ để tiếp tục đấu tranh với các đối tượng nằm trong đường dây vận chuyển trái phép tiền ra nước ngoài này.

Theo đó, ngày 3-8-2018, Ban chuyên án đã chọn thời cơ “giăng lưới”, bắt giữ Nguyễn Văn Ất, Nguyễn Mạnh Dũng cùng hai tay chân của Dũng là An Thế Anh, sinh 1989, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai và Nguyễn Quốc Hiến, sinh 1983, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Kết quả điều tra cho thấy:

Năm 2015, Đinh Thị Ngọc (đối tượng trong đường dây vận chuyển tiền ra nước ngoài, bị xét xử trong giai đoạn 1) liên hệ với Nguyễn Văn Ất mua hồ sơ thương mại để hợp pháp hóa việc chuyển tiền ngoại tệ ra nước ngoài.

Do biết Nguyễn Mạnh Dũng và An Thế Anh đang quản lý Công ty C2T nên Ất đã hỏi Dũng và Thế Anh mượn công ty này để làm hồ sơ xuất nhập khẩu bán cho Ngọc.

Tiếp đó, Ất còn bán các bộ hồ sơ thương mại của các công ty: An Việt, HUB và Cường Thịnh cho Nguyễn Mạnh Dũng, An Thế Anh và Nguyễn Quốc Hiến để các đối tượng này hợp thức hóa thủ tục chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Để có các bộ hồ sơ thương mại, Ất thuê lại một đối tượng (chưa rõ địa chỉ) ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để chế ra các bộ hồ sơ hải quan trong đó thể hiện các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty này.

Trong đó, Ất đã tự làm giả một số hồ sơ của Công ty C2T và Công ty An Việt bằng cách trực tiếp ký tên lên các tờ A4 trắng giả các chữ ký của giám đốc và đóng dấu tròn đỏ của 2 công ty.

Sau đó, Ất đưa cho Ngọc, Dũng, Thế Anh và Hiến sử dụng làm các giấy tờ đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền… phục vụ cho việc chuyển tiền của các đối tượng tại các ngân hàng.

Từ cuối năm 2013, cũng như Đinh Thị Ngọc và Lê Thị Liên (đối tượng đã bị xét xử), Nguyễn Mạnh Dũng được các đối tượng thuê làm dịch vụ chuyển tiền ra các nước Philipines, Singapore với giá từ 0,3% đến 0,75% tổng số tiền chuyển.

Sau khi tìm hiểu cách thức, thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài, Dũng đã móc nối với Nguyễn Quốc Hiến để mua hồ sơ thương mại của Công ty TNHH một thành viên thương mại và xuất nhập khẩu Trung Khanh với giá từ 80 triệu đến 120 triệu đồng/1 triệu USD ghi trên tờ khai hải quan, sau đó hợp thức hóa việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam đến các địa chỉ ở nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng.

Theo thỏa thuận, Dũng cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu vận chuyển tiền thông tin cá nhân của Dũng và An Thế Anh để các đối tượng này chuyển tiền hoặc giao tiền trực tiếp cho Dũng và Thế Anh.

ss

Lực lượng công an áp giải các đối tượng sau phiên tòa

Sau đó Dũng và Thế Anh chuyển lại cho Hiến để làm thủ tục, soạn phụ lục hợp đồng hợp pháp hóa việc vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Sau một thời gian mua hồ sơ của Hiến, Dũng móc nối với Nguyễn Văn Ất để mua hồ sơ của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu An Việt, đồng thời chỉ đạo Thế Anh mua lại Công ty cổ phần thương mại dịch vụ C2T Việt Nam và bổ nhiệm Thế Anh làm giám đốc để phục vụ cho hoạt động chuyển tiền trên.

Đến tháng 7-2017, nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, Dũng, Ất và Thế Anh bàn nhau dừng sử dụng hồ sơ của 2 công ty C2T và An Việt mà thành lập 2 công ty mới là Cường Thịnh và HUB. Sau đó cả bọn phân công nhau, Dũng và Thế Anh có nhiệm vụ quản lý, còn Ất làm hồ sơ thương mại bán cho Dũng và Thế Anh sử dụng để chuyển tiền cho khách.

Sau khi nhận hồ sơ từ Ất, Dũng và Thế Anh sẽ chuyển hồ sơ ra các ngân hàng đã lựa chọn từ trước tại Hà Nội và Quảng Ninh như: BIDV, Seabank và Techcombank, SHB Tây Nam… để làm thủ tục chuyển tiền.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận: Toàn bộ hồ sơ thương mại của các “công ty ma” (An Việt, C2T, Cường Thịnh và HUB), Dũng mua của Ất với giá từ 38 triệu đến 50 triệu đồng/ 1 triệu USD ghi trên tờ khai hải quan.

Quá trình chuyển tiền, chúng đều không biết nguồn gốc số tiền chuyển cũng như mục đích, lý do chuyển tiền cho số khách hàng thụ hưởng tại nước ngoài. Khi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, số tiền thu lợi sau khi trừ đi các chi phí mua hồ sơ, phí ngân hàng, được Dũng chia theo tỉ lệ: Dũng hưởng 50%, Ất 35%, Thế Anh 10%, số còn lại được chia cho một số tay chân giúp việc khác của Dũng.

Riêng Nguyễn Quốc Hiến, do trước đây có thời gian làm việc tại bộ phận thanh toán quốc tế tại Hội sở Ngân hàng Techcombank Hà Nội nên hiểu và nắm rõ nhật khẩu, biết được việc có thể lợi dụng các phụ lục hợp đồng để chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng thông qua hình thức điện chuyển tiền TTr.

Do vậy, từ năm 2015 đến năm 2017, Hiến đã làm trung gian tìm mua hồ sơ thương mại của Công ty An Việt qua Ất, 2 công ty Tuấn Thành và Thành Công của Lê Tiến Thành (đối tượng đã bị xét xử trong giai đoạn 1) và một số công ty khác để bán lại cho Nguyễn Mạnh Dũng, Đậu Thị Lan (đối tượng đã bị xét xử tại giai đoạn 1).

Mỗi bộ hồ sơ, Hiến mua từ 50 triệu đến 70 triệu đồng/1 triệu USD, sau đó bán cho người mua để hưởng lời từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/ 1 triệu USD.

Kết quả điều tra, xác định: Trong thời gian từ năm 2015 đến đầu năm 2018, Nguyễn Văn Ất đã làm giả giấy tờ và bán hồ sơ giúp cho các đối tượng chuyển trái phép ra nước ngoài gần 2.300 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 3,6 tỷ đồng; Nguyễn Mạnh Dũng đã sử dụng hồ sơ thương mại mua của Nguyễn Văn Ất, Nguyễn Quốc Hiến để chuyển hơn 1.500 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 350 triệu đồng; Nguyễn Quốc Hiến đã bán các hồ sơ thương mại, giúp cho các đối tượng chuyển trái phép hơn 2.033 tỷ đồng, thu lời bất chính gần 300 triệu đồng; An Thế Anh đã có hành vi giúp Nguyễn Mạnh Dũng nhận, chuyển hồ sơ thương mại đã mua của các công ty, nộp, chuyển tiền vào tài khoản của các công ty này, soạn thảo phụ lục hợp đồng, mở tài khoản và làm thủ tục chuyển tiền tại các ngân hàng để hưởng lợi khoảng 90 triệu đồng.

Ngày 6-9-2019, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt: Nguyễn Văn Ất 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; 2 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 4 năm tù.

Các bị cáo: Nguyễn Mạnh Dũng 36 tháng tù, Nguyễn Quốc Hiến 24 tháng tù, An Thế Anh 21 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Khắc Đoàn

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông