Hiểm họa súng tự chế

13:40 22/11/2019

Theo Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng Phòng CSHS - CATP, những năm gần đây, tình trạng mâu thuẫn dẫn đến xô xát rồi dùng hung khí trong đó có cả súng bắn đạn hoa cải, súng săn, súng bút, súng ngắn tự chế (gọi chung là súng tự chế) để để “xử” lẫn nhau đang gia tăng ở mức đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều hệ lụy đến ANTT.

Kỳ 1: Những sát thủ súng bút, súng hoa cải

Hải Phòng là một trong những địa phương xuất hiện khá nhiều đối tượng sử dụng súng hoa cải, súng tự chế gây ra các vụ án mang tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thuong tích, gây rối TTCC. Ngay từ năm 2006, Trường “ăn cắp” (tức Lê Xuân Trường, sinh 1983, ở xóm chợ Mới, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) đã khai hỏa khẩu súng bắn đạn hoa cải của y vào những phi vụ động trời.

Dương Minh Nhất và những khẩu súng tự chế bị thu giữ

Cụ thể, khoảng 1h30 ngày 3-7-2006, anh Bùi Văn Mười, sinh 1982, ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đi xe máy Jupiter trên đường 353 hướng từ Đồ Sơn về cầu Rào, đến khu vực vòng xuyến thuộc phường Anh Dũng, quận Dương Kinh đã bị nhóm của Trường “ăn cắp” áp sát ép vào rìa đường rồi dùng súng hoa cải bắn chết và cướp xe máy.

Tiếp đến 19h ngày 30-11-2006, do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc, Trường “ăn cắp” tìm gặp anh Trần Thái Bảo, sinh 1982, ở xã An Hưng, huyện An Dương, rút súng gí vào đầu. Anh này quay lưng bỏ chạy thì bị Trường nổ súng vào bụng, sau đó tử vong do nhiễm độc chì của đạn hoa cải… Còn nữa rất nhiều vụ trọng án từ súng hoa cải trong các vụ giang hồ thanh toán do mâu thuẫn với nhau  và các vụ gây rối TTCC, điển hình như vụ Xuân “điên” bắn chết Long “tuýp”... 

Chưa nổi tiếng như súng hoa cải nhưng súng “ám sát” hay còn gọi súng bút cũng “góp mặt” trong không ít vụ trọng án và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Năm 2008, Cảnh sát thành phố Cảng đã phát hiện 1 đường dây buôn “hàng nóng” quy mô lớn của Phạm Cao Sơn (Sơn “súng”), thu giữ 35 súng các loại, trong đó có 7 khẩu súng bút. Súng bút là loại súng bắn đạn chì hoặc đạn ghém dựa trên sức đẩy của lò xo hoặc quả nổ nhỏ. Nếu bắn ở cự ly dưới 5 mét, khả năng sát thương của loại súng này không khác gì súng quân dụng.

Dẫn chứng, rạng sáng 24-5-2009, trong lúc đôi co với một nhóm thanh niên trong đó có Lê Tuấn Anh, sinh 1982, ở quận Lê Chân, về việc thanh toán tiền trà đá, chị Hoàng Thị Lý  bán hàng nước ở ngã tư Cát Cụt - Hai Bà Trưng bị gã này dùng súng bút bắn 1 phát trúng tim dẫn đến tử vong. Ngày 7-7-2009, vì xích mích với 1 chủ quán cà phê thư giãn, anh Phạm Văn Trường (ở Thanh Hóa) bị người quen của chủ quán dùng súng bút bắn 1 phát đạn chì xuyên qua đầu thiệt mạng tại chỗ...

Súng bút tự chế

Súng bút ngoài khả năng gây sát thương cao còn “hấp dẫn” dân anh chị bởi sự nhỏ gọn, dễ cất giấu và là món “đồ trang sức” để phô trương thanh thế với nhau. Chính vì thế, đi đâu Công “giáp” (Nguyễn Tiến Công, sinh 1979, ở Đường Thuyết, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) một đàn em của Long “tuýp” cũng kè kè bên mình 1 khẩu.

Trưa 2-5-2010, đang phê vì ma túy đá, Công nhìn thấy 1 con mèo trên mái nhà bên cạnh nơi hắn thuê trọ bèn nảy sinh ý định bắt mang về nuôi. Đuổi theo con mèo qua các mái nhà, đến tầng 2 nhà ông Phạm Đề Kháng, sinh 1949, ở 15/213 đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, cùng quận, thì mất dấu.

Thấy cánh cửa chính trên ban công hé mở, Công đoán con mèo chạy vào trong nên lao vào thì gặp ông Kháng đang ở đó. Bất chợt gặp kẻ lạ, chủ nhà hô hoán đồng thời túm cổ áo Công đẩy ra phía sau. Đang cầm khẩu súng bút trên tay, tên này nhằm thẳng ngực bắn khiến ông Kháng gục ngã.

Rõ ràng trong thực tế, các loại vũ khí tự chế đối tượng gây án sử dụng (súng colt xoay, súng bút, súng bắn đạn hoa cải…) có tính sát thương cao, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Nếu không xử lý nghiêm về hình sự sẽ không bảo đảm tính răn đe của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến TTATXH. Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2006 đến năm 2012 trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ dùng súng tự chế gây án.

Cụ thể: năm 2006 xảy ra 3 vụ, năm 2007 xảy ra 20 vụ, năm 2008 xảy ra 9 vụ, năm 2009 xảy ra 32 vụ, năm 2010 xảy ra 41 vụ, năm 2011 xảy ra 39 vụ. Điều đáng nói vào thời điểm đó, những vụ án trên đều không xử lý được hình sự về hành vi tàng trữ, mua bán súng tự chế nếu có chỉ là xử phạt vi phạm hành chính. Chưa kể giải pháp vận động giao nộp cũng khó khả thi bởi chỉ có đối tượng xấu mới sử dụng loại súng này. 

(còn nữa)

Xuân Ngọc

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông