Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đánh giá thực trạng kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, giai đoạn 2013 – 2023

    10:39 26/10/2024

    Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm tổng kết đánh giá thực trạng kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2013 – 2023 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Dự hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng lãnh đạo các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ. Tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam; lãnh đạo một số sở, ngành chức năng, một số Doanh nghiệ0p, các tập thể, hộ gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác này.

     

    Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

    Theo báo cáo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT công lập với 553.181 phòng học; số phòng học kiên cố khoảng 364.367, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 65,9% (cấp học Mầm non tỷ lệ kiên cố hóa là 47,7%; cấp học Tiểu học 61,6%; cấp học THCS là 80,5%; cấp học THPT là 90,4%).

    Còn đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp Mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Trong đó cấp học Mầm non đã nâng tỷ lệ kiên cố hóa lên 83,0%; cấp học Tiểu học 83,2%; cấp học THCS 94,9%; cấp học THPT 97,0%.

    Trong giai đoạn 2013-2023, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng 35.984 phòng, số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.216 phòng. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng.

    Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương, đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, đồng lòng từ các cấp chính quyền và toàn xã hội trong việc tiếp tục cải thiện, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất giáo dục trên cả nước. 

    Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn sự thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm công tác kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên.

    Thời gian tới, để thúc đẩy xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, các địa phương cần chủ động trong lập kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục, đảm bảo quỹ đất cho việc xây dựng các trường học mới, nhất là tại các khu đô thị mới và khu tái định cư. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục; Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc thực hiện các dự án xã hội hóa; Tiếp tục đẩy mạnh quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để các trường học chủ động trong việc huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

    Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển GD&ĐT bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn. Tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố. Theo Bộ trưởng, để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

    Bộ trưởng nhấn mạnh, trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng, cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực, nhiều chương trình, dự án, đề án, dành nhiều tiền bạc cho công việc kiên cố hóa trường học để đạt được tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn quốc như đã thấy trong số liệu báo cáo. Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân.

    Lan Phương

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông