Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông Liên kết, hợp tác để cùng phát triển

00:48 01/01/2024

Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông vừa tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, năm 2023 là năm khởi đầu thực hiện Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông đã được 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên cùng VCCI ký kết ngày 28-7-2022. Kết quả đạt được cho thấy sức mạnh của liên kết kinh tế không chỉ đến từ nguồn lực riêng lẻ của mỗi địa phương, mà còn từ lợi thế cạnh tranh cộng hưởng qua sự hợp tác của các địa phương lân cận. Đây là nền tảng quan trọng để 4 địa phương mở ra những chương trình hợp tác mới, đồng thời đánh dấu những bước tiến vững chắc trong hành trình phát triển chung.

                                                  Những hoạt động thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhận định, hoạt động kết nối mang lại hiệu quả và lợi ích rất thiết thực cho các địa phương trong đó có thành phố Hải Phòng. Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã bước đầu tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của mình đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng để tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn.

 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho rằng, sự hợp tác các địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông đã tạo nên sự giao thông liên hoàn, đồng bộ.  Như Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh có sự hợp tác rất chặt chẽ trong xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân và tuyến đường dẫn hai bên. 2 công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2024, tạo nên những cơ hội thông thương mới cho doanh nghiệp và người dân hai địa phương, chắn sẽ nâng tầm mối quan hệ hợp tác lên tầm cao mới và hiệu quả hơn.

          Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong bối cảnh toàn cầu và trong nước đầy thách thức như năm 2023, 4 địa phương đã thể hiện sức mạnh và khả năng thích ứng phi thường trong liên kết trục cao tốc phía Đông (VEHEC). Cả 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đều kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất ấn tượng, vượt trội so với kết quả trung bình của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Những kết quả hoạt động năm 2023 là bước đệm quan trọng để hướng tới một năm 2024 đầy hứa hẹn, với những kế hoạch và mục tiêu tham vọng hơn.

Cầu Rừng đang được khẩn trương xây dựng, tạo thuận lợi kết nối giao thông giữa Hải Phòng- Quảng Ninh và các địa phương trong vùng (ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, năm 2023, nhiều nội dung quan trọng trong Thoả thuận VEHEC được thực hiện. Về tổ chức, đã chính thức thành lập Hội đồng kết nối và Ban thư ký giúp việc cho Hội đồng. Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng và Chương trình hoạt động năm 2023 được ban hành và triển khai.  Với vai trò đồng chủ tịch của VCCI và Hưng Yên, với sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của 3 địa phương còn lại, Hội đồng kết nối đã triển khai được hàng loạt hoạt động hợp tác cụ thể của tiểu vùng trong khuôn khổ Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

          Cụ thể, đã tiến hành 3 hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại quan trọng đó là “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản 2023”, “Xúc tiến thương mại – đầu tư châu Âu”, và “Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2023”.

Đồng thời,  tổ chức thành công “Diễn đàn các khu công nghiệp năm 2023” nhằm kết nối các nhà phát triển khu công nghiệp, các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương để thảo luận về xu hướng phát triển các khu công nghiệp theo định hướng xanh, bền vững trong tương lai.

Các địa phương và VCCI phối hợp chặt chẽ trong các chương trình tập huấn cho các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trong vùng về chính sách pháp luật trong xuất nhập khẩu và kỹ năng vận động chính sách thông qua một khóa học do VCCI tổ chức tại Hải Phòng.

          Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của 4 địa phương trong Kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông, VCCI  phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế) và các bộ ngành có liên quan tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp của tiểu vùng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh việc đối thoại gặp mặt cấp quốc gia, đây là lần đầu tiên  thiết lập cơ chế đối thoại cấp tiểu vùng về chủ đề này một cách hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp. Cả bốn địa phương và VCCI cũng đã phối hợp rất tích cực trong các hoạt động truyền thông chung và nhiều hoạt động hợp tác phát triển khác.

          Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, những nội dung nói trên là kết quả bước đầu của năm hoạt động đầu tiên của Hội đồng kết nối, nhưng cũng cho thấy tiềm năng và triển vọng mở rộng kết nối, hợp tác 4 địa phương, cùng nhau xây dựng từng địa phương và cả tiểu vùng phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao, có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp năng động, phát triển. Những kết quả hoạt động năm 2023 là bước đệm quan trọng để hướng tới một năm 2024 đầy hứa hẹn, với những kế hoạch và mục tiêu tham vọng hơn.

           Đồng thuận, hợp tác cùng phát triển

          Tại hội nghị tổng kết năm 2023, lãnh đạo 4 địa phương đều thống nhất cao các phương thức, biện pháp, chương trình hợp tác để đạt kết quả cao hơn trong năm 2024. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị, trong năm tới, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ để cùng phát triển; định hướng các lĩnh vực, mục tiêu phát triển trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, để có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau, nhất là trong một số lĩnh vực như phát triển khu công nghiệp, giá cho thuê đất trong KCN; logistics…

          Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nông lâm thủy sản của các địa phương; vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng Winmart+, chợ đầu mối... hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tiểu vùng kết nối trục cao tốc phía Đông.

          Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm 2024 có rất nhiều thách thức trong quá trình vận hành VEHEC. Trong đó, phải thiết kế được các hoạt động hợp tác hữu ích, mới mẻ và có tác động nhiều hơn nữa đến tình hình phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của tiểu vùng, góp phần thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và hài hoà với Quy hoạch phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.

          Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong việc triển khai các dự án chung cũng là một thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong quản lý và hợp tác. Ngoài ra,  cũng cần suy nghĩ nhiều hơn về những nguồn lực để vận hành VEHEC, đặc biệt là các nguồn lực tài chính. Chủ tịch VCCI đánh giá cao sự cam kết của các địa phương và mong muốn các địa phương sẽ tiếp tục hưởng ứng và hỗ trợ mạnh mẽ cho Kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông trong năm tới.

Hải Phòng tập trung phát triển cảng biển, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của các địa phương trong vùng (ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

          Trên cơ sở đó, VCCI  đề xuất 9 nhóm hoạt động mới nhằm không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn tập trung vào phát triển bền vững hơn. Trong đó, có 3 hoạt động mới so với năm 2023. Thứ nhất là “Hội thảo về môi trường đầu tư kinh doanh xanh cấp vùng”, tập trung vào việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn và thân thiện với môi trường. Thứ hai là  “Diễn đàn doanh nghiệp VEHEC” để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thứ ba là “Báo cáo kinh tế thường niên của vùng năm 2024” sẽ cung cấp thông tin cập nhật và phân tích sâu rộng về tình hình kinh tế của vùng, đưa ra bức tranh rõ nét với các khuyến nghị cụ thể để giúp các địa phương tham khảo trong định hình chính sách và hướng đi phù hợp trong tương lai. Lãnh đạo VCCI tin tưởng rằng, các nhóm hoạt động này sẽ bổ trợ hiệu quả cho các hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác mà các địa phương bắt đầu tiến hành từ năm 2023.

          Ngoài ra, VCCI sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương triển khai một số hoạt động trọng tâm như xây dựng quy chế hoạt động và chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp vùng; tổ chức xúc tiến đầu tư ngoài nước; vận động chính sách liên quan đến tiểu vùng; tổ chức diễn đàn các khu công nghiệp hoặc diễn đàn logistics; đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp; kết nối truyền thông tiểu vùng…

          Điểm đáng chú ý là với sự nhất trí cao của các địa phương, Hội đồng Doanh nghiệp vùng chính thức ra mắt. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh là Chủ tịch. Ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban hội viên và đào tạo VCCI đồng chủ tịch cùng 3 phó chủ tịch và 15 uỷ viên. Đây là nét mới trong hoạt động kết nối nhằm khai thác các cơ hội và phát huy tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp và địa phương trong các hoạt động kinh tế thông qua các hoạt động hợp tác, liên kết theo địa bàn, ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ.

Đồng thời góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể óa các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân; tạo động lực nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp; thúc đẩy, cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương; tạo mô hình điểm trong triển khai các liên kết doanh nghiệp theo mô hình vùng theo nghị quyết của Chính phủ; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kết nối, hợp tác của 4 địa phương./.

                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông