Ngày 23-10, tại thành phố Benghazi, miền đông Libya, các nhà lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn đất nước, kết thúc 42 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi.
| |
Phát biểu trước hàng chục nghìn người tập trung tại Quảng trường Kish, người đứng đầu NTC, ông Mustafa Abdel Jalil nói: “Chúng tôi tuyên bố với toàn thế giới rằng chúng tôi đã giải phóng đất nước thân yêu của chúng tôi, giải phóng các thành phố, làng mạc, đồi núi, sa mạc và bầu trời của chúng tôi”. Ông Jalil cho biết luật Hồi giáo Sharia sẽ là nền tảng cơ bản để xây dựng luật pháp mới, đồng thời nói rằng một hệ thống ngân hàng mới sẽ được thiết lập theo hệ thống ngân hàng Hồi giáo. Ông kêu gọi người dân nỗ lực hòa giải dân tộc và tôn trọng luật pháp.
Cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền của Libya Mahmud Jibril tuyên bố việc thành lập chính phủ mới sẽ được tiến hành trong vòng một tháng sau ngày NTC tuyên bố kiểm soát hoàn toàn đất nước và trong vòng tám tháng sau đó sẽ tiến hành bầu quốc hội và tổng thống. Sau khi quốc hội mới được bầu, NTC sẽ giải tán. Ông Jibril nói với báo giới bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra gần Biển Chết ở Jordani: “Các hoạt động tham vấn đang diễn ra để thành lập chính phủ mới và tiến trình này sẽ mất khoảng từ một tuần tới một tháng”.
Một tín hiệu lạc quan, theo thủ tướng Jibril, là việc sản lượng dầu của Libya đã đạt mức 300.000 thùng/ngày sau thời gian phải ngừng hẳn khai thác do chiến tranh. Lãnh đạo NTC cho rằng Libya sẽ đạt được sản lượng trước chiến tranh là 1,6 triệu thùng/ngày trong vòng 15 tháng tới. Tuy nhiên tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cho biết đã ghi nhận khoảng 7.000 người bị giam cầm ở nhiều địa điểm khác nhau tại Libya sau chiến tranh, trong khi khoảng 30.000 người đã mất nhà cửa, nhiều thành phố bị bỏ hoang do hậu quả chiến tranh.
Ngay sau khi NTC tuyên bố kiểm soát hoàn toàn đất nước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra tuyên bố khẳng định Liên hợp quốc ủng hộ lộ trình thành lập chính phủ mới và tổ chức các cuộc bầu cử ở Libya. Ông nêu rõ tuyên bố nói trên của NTC là một “dấu mốc lịch sử”. Cùng ngày, tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Libya tiến hành “một quá trình hòa giải dân tộc” để phát triển thành một quốc gia an ninh và dân chủ.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng “đây là một thời điểm lịch sử” của Libya, song “vẫn còn rất nhiều việc phải làm” và NTC nên sớm tuyên bố thành lập chính phủ mới. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi nhân dân Libya gác lại những mâu thuẫn và xây dựng một nước Libya mới. Còn tại London, Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi quốc gia Bắc Phi này tránh “báo thù và trả đũa”.
Việc lãnh đạo NTC tuyên bố giải phóng Libya đã đặt đất nước Bắc Phi này vào con đường quá độ hướng tới một nền dân chủ. Tuy nhiên, cả dư luận Libya và thế giới đều cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để có thể xây dựng một nước Libya dân chủ.
Việt Anh (tổng hợp) |