Tranh biện - "Món ăn tinh thần" mới cho học sinh Quảng Ninh

10:03 22/02/2019

Phát triển mạnh một thời gian dài tại nhiều quốc gia phát triển và mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng tranh biện (debate) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ Việt, trong đó có cả các bạn trẻ đang học tập ở tỉnh Quảng Ninh…

CLB Xando tổ chức sinh hoạt 1-2 lần/tuần cho các thành viên

Tư duy "ngược"

Khoảng 7, 8 năm trở lại đây, phong trào tranh biện bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được các bạn trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đón nhận. Dù xuất hiện muộn hơn nhưng từ 3 năm qua, phong trào tranh biện ở tỉnh Quảng Ninh đang dần trở thành món ăn tinh thần ưa thích của nhiều bạn trẻ.

Qua tranh biện không chỉ giúp các em nói lên quan điểm của mình, mà còn là cơ hội để thể hiện bản thân; phát triển các kỹ năng mềm; mở rộng kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đặc điểm nổi bật của tranh biện là sử dụng tư duy phản biện cùng các kỹ năng mềm như: hùng biện, làm việc nhóm, nghiên cứu… nhằm giải quyết, đào sâu vấn đề, mở rộng kiến thức về cuộc sống thông qua giải quyết những mâu thuẫn trong lập luận của người tham gia.

Đặc biệt, tranh biện giúp học sinh hình thành tư duy “ngược”, không đi theo lối mòn, phát triển khả năng tìm kiếm thông tin, sắp xếp quan điểm, đánh giá, chọn lọc dẫn chứng phù hợp để phản biện. Các đề tài tranh biện thường rất đa dạng, gần gũi với đời sống, từ giáo dục đến kinh tế, xã hội và môi trường.

Hiện nay, “Tôi lên tiếng” của VTV6 và “Trường teen” của VTV7 (Đài Truyền hình Việt Nam) là hai chương trình tranh biện được nhiều học sinh, sinh viên biết đến. Ngoài ra, hàng loạt cuộc thi về tranh biện do các trường THPT và đại học tổ chức cũng được các bạn trẻ quan tâm, đón nhận.

Tại Quảng Ninh, Xando là câu lạc bộ (CLB) tranh biện đầu tiên do học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long thành lập cách đây 2 năm với hơn 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên 1-2 buổi/tuần. Hiện, trang mạng xã hội của Xando đã thu hút hơn 1.500 lượt theo dõi.

Lê Hương Trà, học sinh lớp 10 Chuyên Lý, thành viên CLB Xando chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB, em có cơ hội trau dồi những kỹ năng thực tế để áp dụng ngay vào trong việc học của mình, như kỹ năng phản biện và trình bày trước đám đông. Không những thế, em còn được nói chuyện, chia sẻ quan điểm cá nhân của mình, phát triển khả năng tư duy một vấn đề từ nhiều phía cũng như học cách lắng nghe, thuyết phục người khác”.

Thầy Nguyễn Huy Phan, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Chuyên Hạ Long, cho biết: “Tranh biện là sân chơi còn khá mới lạ với học sinh Quảng Ninh. Tuy nhiên, nhà trường luôn tạo điều kiện để giúp học sinh tổ chức sinh hoạt CLB, cũng như được tiếp xúc và tham gia các cuộc thi tranh biện trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, định hướng để các em chủ động phát triển kỹ năng mềm nhưng vẫn tập trung đạt kết quả học tập tốt nhất”.

Cuộc thi tranh biện Ka Paio do CLB Xando tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều đội thi

Lan tỏa trong giới trẻ

Ban đầu, rất nhiều bạn trẻ còn chưa hiểu rõ, khá bỡ ngỡ khi tiếp xúc với tranh biện nhưng khi càng tìm hiểu, các em càng phát hiện nhiều điều hay của môn thể thao trí tuệ này. Tham gia nhiều cuộc thi tranh biện và hùng biện, Nguyễn Khánh Linh, lớp 11 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hạ Long, thành viên chủ chốt của CLB Xando chia sẻ: “Tranh biện không chỉ giới hạn trong các cuộc thi dành cho hai bên mà còn là sân chơi cho tất cả học sinh.

Vừa qua, CLB đã tổ chức cuộc thi viết Iwrite cho học sinh THPT trên địa bàn TP Hạ Long với hơn 100 bài dự thi chất lượng về những đề tài được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bên cạnh việc sinh hoạt 1-2 lần/tuần giữa các thành viên CLB, chúng em còn thường xuyên đăng bài, đưa ra các vấn đề “nóng” trên trang mạng xã hội để mọi người cùng chia sẻ ý kiến và thảo luận. Tháng 1-2019, CLB đã mời diễn giả từ Hà Nội về trò chuyện để các bạn có cơ hội tiếp xúc và hiểu hơn về tranh biện. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để các thành viên CLB tham gia cuộc thi tranh biện tiếng Anh mở rộng tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 23-24/2”.

Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của học sinh, tranh biện cũng đang trở thành một hình thức mới được các thầy cô định hướng và áp dụng trong giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long), cho biết: “Tranh biện là bộ môn khá gần gũi với nghị luận xã hội của môn Ngữ văn vì hướng đến các vấn đề xã hội, được dư luận quan tâm. Tranh biện tạo ra không gian tranh luận linh hoạt do các luồng ý kiến được đưa ra liên tục và thay đổi.

Qua đó, giúp học sinh trau dồi kiến thức, áp dụng các kỹ năng làm văn nghị luận xã hội trong cuộc sống. Có thể thấy, tranh biện tạo sự hứng khởi và sinh động hơn, giúp các em phản xạ tốt với các vấn đề trong xã hội. Đồng thời, nếu áp dụng tranh biện trong các tiết học Ngữ văn sẽ giúp các em tiếp thu và thực hành kiến thức tốt hơn”.

Tuy nhiên, cũng theo cô Hòa, học sinh cần phân biệt giữa tranh biện và tranh cãi. Bởi nếu tranh cãi là để lấn át đối phương giành chiến thắng cho cá nhân thì tranh biện là nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất thuyết phục mọi người tin, làm theo vì lợi ích chung. Vì vậy, khi tham gia tranh biện, các em cần bình tĩnh lắng nghe, tiếp thu và chia sẻ ý kiến của nhau, tránh xảy ra mâu thuẫn không đáng có.

Hiện nay, tranh biện đang trở thành sân chơi mới trong các trường học. Dù nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Đoàn trường nhưng chủ yếu các hoạt động đều do học sinh tự điều hành và duy trì hoạt động. Có lẽ, đã đến lúc, phong trào tranh biện cần được quan tâm nhiều hơn để phát triển chất lượng một cách bền vững hơn. Từ đó, giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội rèn luyện tư duy suy nghĩ đa chiều, tư duy phản biện không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống hàng ngày.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông