10:06 22/09/2017 Với 348.247 đồng biển thủ công quỹ, có thể nói đây là vụ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa đình đám nhất trong thời kỳ bao cấp do Trương Thị Bé cầm đầu. Lương và phụ cấp của hai vợ chồng thị Bé ở vào thời điểm ấy chỉ là 130 đồng/tháng, số tiền thị tham ô nêu trên bằng khoản tiền lương thu nhập của cả hai trong vòng 217 năm…
Với 348.247 đồng biển thủ công quỹ, có thể nói đây là vụ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa đình đám nhất trong thời kỳ bao cấp do Trương Thị Bé cầm đầu. Lương và phụ cấp của hai vợ chồng thị Bé ở vào thời điểm ấy chỉ là 130 đồng/tháng, số tiền thị tham ô nêu trên bằng khoản tiền lương thu nhập của cả hai trong vòng 217 năm…
Quê xã Phong Nhiên, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trương Thị Bé, sinh 1932, trong một gia đình phú nông có 3 anh em cùng chung sống tại vùng nông thôn ven Quốc lộ 1, chỉ cách thành Huế hơn 10km. Là con út nên Bé rất được ba má cưng chiều, hồi mới lọt lòng được gia đình gửi vào chùa Thiên Mụ “ăn mày lộc phật”. Năm 1954, từ vùng địch tạm chiếm, không biết bằng cách nào đó, Bé ra được Quảng Bình và cạy cục xin vào làm việc ở Ty lương thực.
Khi ấy, tuổi mới ngoài đôi mươi nhưng nữ nhân viên này đã nổi tiếng về mặt ăn chơi phóng túng và thường xưng xưng tự khoe: “Tính tôi phóng khoáng, có tiền thì cứ tiêu xài không tiếc. Trước tôi làm ăn buôn bán, kiếm được tiền tiêu hết thôi, không so đo tính toán chi hết”. Trái với Bé, người chồng cũ tính tình chặt chẽ, thấy không hợp nên bỏ Bé luôn. Khi được chuyển về Hải Phòng, Bé đã khéo léo trút được bản lý lịch gốc thay bằng bản lý lịch mới rất “trong sạch” cùng với người chồng mới công tác trong lực lượng vũ trang.
Từ năm 1968, Trương Thị Bé trở thành thủ quỹ của Công ty ăn uống - phục vụ Hải Phòng, được giao quản lỹ 5 quỹ: quỹ kinh doanh, quỹ tiền thu, quỹ tiền mặt, quỹ thanh toán nội bộ, quỹ vay ngắn hạn ngân hàng và vốn bằng tiền khác.
Đến giờ, chắc hẳn chẳng cơ quan, doanh nghiệp nào lại giao cho thủ quỹ “quyền năng” lớn đến vậy, được giữ đủ thứ quỹ, cả thu lẫn chi, lại được vừa thu - vừa chi - vừa nộp. Căn bệnh tiêu xài vô độ, lại ngồi giữa một núi tiền, xoay bên nào cũng đều “vướng” phải tiền, lại toàn tiền mặt, Trương Thị Bé chả khác nào “chuột sa chĩnh gạo”.
Trọng hình thức, sính ăn chơi, choáng ngợp vì tiền mà lại được giữ tiền, Bé lấy cắp tiền bán hàng không chút run tay, coi két tiền đặt trong phòng thủ quỹ của Công ty ăn uống phục vụ Hải Phòng như chiếc hòm của gia đình, muốn mở lúc nào cũng được, muốn lấy bao nhiêu tiền để tiêu thì lấy bấy nhiêu, lúc hàng trăm khi hàng nghìn đồng, thậm chí cả vạn đồng.
Cũng xin lưu ý, thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, chỉ 5.000 đồng đến 7.000 đồng là đã mua được căn nhà tốt. Suốt trong nhiều năm, tiền rút từ két ra, thị Bé mang nộp ngân hàng, mang về nhà hay thành món quà biếu xén, chẳng ai biết được. Bằng phương pháp thống kê từng ngày thu, nộp, đối chiếu với sổ sách của Chi nhánh ngân hàng nội thành, số tiền Bé lấy cắp qua nguồn tiền bán hàng từ năm 1968 đến 18-6-1975 lên tới hơn 34 vạn 8 nghìn đồng.
Theo hồ sơ vụ án, trong 5 loại quỹ Trương Thị Bé được Công ty ăn uống phục vụ giao cho quản lý từ năm 1960 đến tháng 6-1975, thì chỉ có quỹ vay ngắn hạn Ngân hàng (tài khoản 93) là quỹ bán hàng của 12 đơn vị thuộc công ty bị mất tiền. Đối với quỹ này, Bé có nhiệm vụ thu và nộp hết về ngân hàng trong ngày.
Khi nộp, Bé phải kiểm đếm đủ, lập bản kê từng loại tiền và viết 3 liên giấy nộp tiền đem ra ngân hàng; nộp xong, phải lấy ngay liên 2 giấy nộp tiền đã có chữ ký và dấu của thủ quỹ ngân hàng về giao cho kế toán quỹ tiền mặt của công ty ghi chép vào sổ sách trong ngày. Số tiền thu của quỹ này trung bình mỗi ngày từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng.
Bé đã liên tục lấy cắp tiền quỹ bán hàng để chi tiêu cho cá nhân, rồi lấy tiền thu của ngày sau bù cho ngày trước, tháng năm nọ bù cho tháng năm kia. Những trường hợp không đủ tiền nộp, thị dùng séc lĩnh tiền mặt của công ty chuyển từ chi sang thu để nộp cho số tiền đã lấy cắp.
Có thể thấy, “quyền thu” do công ty giao cho Bé quá rộng. Tiền bán hàng của 12 đơn vị trực thuộc công ty quản lý nộp qua tay thị bình quân từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng 1 ngày. Thị Bé thừa biết việc ấy bất hợp lý, bởi với lượng tiền lớn như vậy, chủng loại tiền thời kỳ ấy mệnh giá lớn nhất là tờ 10 đồng, người dân tiêu chủ yếu là tiền hào, tiền xu, thì một mình thị dù có “3 đầu 6 tay” cũng chả tài nào kiểm đếm xuể. Vậy mà thị vẫn nhận và làm, bởi nó dễ bề cho thị lấy cắp và dễ bề cho thị che giấu.
Còn thủ quỹ các cửa hàng được Bé nhờ kiểm đếm tiền theo cách “hoán vị” và một số người như phó phòng kế toán tài vụ, nhân viên kế toán thì rất sốt sắng muốn “giúp đỡ” thị. Đếm xong, họ bảo bao nhiêu thì Bé ghi vào sổ quỹ bấy nhiêu, không cần kiểm đếm lại. Họ ngồi trước đống tiền tự đếm, tự vào bản kê, tiền thiếu bao nhiêu và họ bốc nhét vào túi bao nhiêu, Bé không cần biết.
(còn nữa)
Xuân Ngọc
10:14 27/09/2024
10:14 27/09/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão