Trương Thị Bé và vụ tham ô đình đám thời bao cấp: Kỳ 3 - Những chiêu trò ma giáo

15:26 23/09/2017

Từ tháng 12-1969 trở về trước, Trương Thị Bé thường lấy chứng từ giấy nộp tiền vào Ngân hàng (liên 2) của tháng sau và giấy của các cửa hàng nộp tiền về công ty ở cuối tháng để đưa cho kế toán tự đưa vào sổ sách số tiền đã tham ô tại 2 tài khoản “tiền đang chuyển” và “tiền bán hàng chưa nộp”.

Cuối năm Ngân hàng tận thu nên không thể sử dụng tài khoản “tiền đang chuyển”, Bé đã nói với kế toán ngụy trang số tiền đã biển thủ đưa vào tài khoản “tiền bán hàng chưa nộp” (tài khoản 075). Đây là mánh lới “lấy dần bù dồn”, giúp thị thâu tóm toàn bộ chứng từ thu, nộp cho đến khi có khoản nộp bù mới giao cho kế toán.

Từ cuối năm 1969, Ngân hàng cho thu tiền theo túi có niêm phong, kiểm đếm thếp, bó, tiền lẻ. Hình thức nộp tiền này áp dụng cho các đơn vị thương nghiệp thường xuyên nộp những món tiền lớn, trong khi ngân hàng chưa có khả năng đếm nhận ngay. Trong thời hạn tối đa, không quá 48 giờ kể từ khi nhận được túi tiền của khách hàng, Ngân hàng phải tổ chức kiểm đếm xong. Khi mở túi ra kiểm đếm phải có khách hàng chứng kiến.

Thế nhưng, thông qua Nguyễn Thị Bảo, sinh 1935, là tổ trưởng thu chi tiền mặt của Chi nhánh Ngân hàng nghiệp vụ Hải Phòng, Bé đã dùng tiền đút lót mua chuộc một số nhân viên Ngân hàng có nhiệm vụ liên quan đến việc nộp tiền của mình như các nhân viên thu chi Vũ Thị Khà, sinh 1935; Nguyễn Thị Văn, sinh 1930; Tô Tuyết Hải, sinh 1934; thủ quỹ Hà Văn Nga, sinh 1928; kế toán La Thị Đảnh, sinh 1947... và được những người này giúp đỡ, ký xác nhận nộp tiền khống cho Bé. Theo đó, Bé cứ nộp túi khống (chưa kiểm bó, thếp, tiền lẻ) và được Bảo cấp khống giấy báo có (liên 3) và giấy nộp tiền (liên 2).

Còn khi tiền đã vào kho quỹ, Bảo, Khà, Hải, Đảnh đều biết rõ túi tiền của thị Bé chưa được kiểm đếm và không đủ so với giấy nộp tiền nhưng vẫn ghi đủ vào sổ thu của Ngân hàng và ký xác nhận vào giấy nộp tiền cho Bé. 5-7 ngày sau, nhân viên Ngân hàng mới tự mở túi tiền ra đếm.

Thiếu bao nhiêu, họ bảo Bé nộp bù vào hoặc nhận séc lĩnh tiền mặt của Bé chuyển thẳng từ chi sang thu để bù. Bảo và Đảnh còn bàn với Bé không ghi ngày trên các giấy nộp tiền đề phòng bị kiểm tra và đi nộp tiền thì cứ nhè vào cuối giờ trong ngày để có cớ gửi tiền chưa kịp kiểm đếm. Riêng Bé còn giữ lại các chứng từ thu, nộp tiền trong tháng, đến tháng sau mới đưa cho kế toán Công ty hành tự sổ sách cho tháng trước.

Kế toán Trần Thị Thục, sinh 1951, cũng ra sức giúp để Bé làm chứng từ giả hay nói miệng “tiền chưa nộp” hoặc nộp rồi nhưng chưa lấy được chứng từ..., để kế toán hành tự so sánh khi quyết toán tháng, quý, năm. Bộ phận kế toán của công ty cũng đã không thực hiện chế độ cập nhật, vào sổ sách nhật ký chứng từ. Trái lại còn tự ý đổi chế độ cập nhật thành chế độ “cập nguyệt”.

Tức là để dồn đến đầu tháng sau mới hành tự toàn bộ các khoản tiền thu-nộp của tháng trước, lấy ngày 30 hoặc ngày 31 làm mốc. Đây chính là thủ đoạn của Bé nhằm che giấu số tiền đã lấy cắp từ tháng này sang tháng khác, năm trước sang năm sau. Do đó, số tiền tham ô được che giấu trên sổ sách công ty một phần nằm trong tổng số tiền đã nộp, một phần được Bé đưa vào tài khoản « tiền đang chuyển » và cuối năm thì đưa vào tháng thứ 13 để nộp bù.

Nhiều giấy nộp tiền do Bé viết không ghi ngày, nhiều giấy còn không ghi cả ngày, tháng, năm và không có chữ ký của người nộp tiền. Điển hình như giấy nộp 44.774đ không có chữ ký của Bé, của thủ quỹ ngân hàng mà chỉ có chữ ký và dấu của kế toán. Ngày Bé nộp tiền đều chậm so với ngày thu và thường bị đảo lộn lung tung (số tiền thu trước lại nộp sau, số thu sau lại nộp trước, tiền tháng trước lân sang cả tháng sau).

Ví dụ: tháng 1-1971, số tiền bán hàng thu ngày 1 là 17.920đ, nộp vào ngày 3; số tiền bán hàng thu ngày 2 là 13.857đ nộp vào ngày 7. Tháng 7-1973, số tiền thu của ngày 29 là 38.149đ nộp vào ngày 6-8; số tiền thu của ngày 30 là 41.344đ nộp vào ngày 3-8. Tháng 8-1973, số tiền thu của các ngày 25, 26, 27, 28, 29, 30 và 31 nộp vào các ngày 1, 4, 5, 10 tháng 6. Tháng 1-1975 cũng vậy, số tiền thu của các ngày 28, 29, 30 và 31 nộp vào các ngày 6, 3 và 8 tháng 2...

Thực tế, Nguyễn Thị Bảo, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng nghiệp vụ Hải Phòng đã tự tiện cho Bé đưa các túi tiền vào kho quỹ không cần niêm phong, không cần kiểm đếm, không có biên bản giao nhận. Các túi tiền thường rất ít so với bản kê nộp, nhưng được đóng toàn bằng tiền lẻ, trông bề ngoài vẫn to, đầy.

Ví dụ: tháng 13-1973 ghi nộp 227.263đ; tháng 13-1974 ghi nộp 326.206đ; ngày 31-5-1975 ghi nộp 352.769đ; thực chất trong túi chỉ có từ 50.000đ đến 70.000đ các loại tiền từ 1 hào đến 1 đồng, 2 đồng. Có những khoản tiền kê nộp rất lớn, như ngày 29-8-1974 kê nộp 97.940đ, ngày 3-9-1974 kê nộp 60.804đ nhưng không hề có 1 xu được nộp! Bảo nhiều lần phải mượn tạm các túi tiền gửi của cơ quan khác ghi giả tạo ngoài bao tên Trương Thị Bé...

Chứng từ nộp tiền không hợp pháp hợp lệ, ghi chép sổ sách trái với quy định chung, cùng việc sử dụng tùy tiện séc lĩnh tiền mặt của công ty để chuyển từ chi sang thu của Bé đã giúp thị che giấu số tiền tham ô cực lớn. Tuy nhiên, giấy không bọc được lửa, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra...

(còn nữa)

Xuân Ngọc

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông