Ngày 11-7 hằngnăm là Ngày dân số thế giới. Chủ đề của Ngày dân số thế giới năm nay là "Đối phó với khủng hoảng kinhtế: Đầu tư cho phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt".
| Phụ nữ và trẻ em còn chịu nhiều thiệt thòi tại nhiều nơi trên thế giới |
Dân số thế giới hiện nay ước tính ít nhất là 6,7 tỷ người. Và sau 40 năm nữa, trái đất sẽ là mái nhà chung của 9,2 tỷ người, với mức tăng dân số chủ yếu ở các nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi. Đây là con số ước tính dựa trên giả thuyết tỉ lệ sinh đẻ ở phụ nữ khoảng 2,56 con/phụ nữ hiện nay sẽ giảm còn 2,02 con/phụ nữ trong những năm tới. Còn nếu tỉ lệ sinh này không giảm thì dân số thế giới có thể vượt 10 tỷ người vào năm 2050.
Một số thực trạng đáng buồn liên quan đến chất lượng dân số toàn cầu hiện nay: theo báo cáo Giám sát toàn cầu 2009, thế giới hiện có 850 triệu người mù chữ (khoảng 1/5 tổng dân số), trong đó có 75 triệu trẻ em. Khoảng 2,5 tỷ người sống trong điều kiện vệ sinh kém. Hơn 1 tỷ người, tương đương 1/6 dân số thế giới, bị thiếu ăn mỗi ngày. Hàng năm có 190 triệu phụ nữ có thai và ít nhất 1/3 trong số đó là mang thai ngoài ý muốn. Nhu cầu của khoảng 200 triệu phụ nữ trên thế giới về các biện pháp tránh thai hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ…
Nhân ngày dân số thế giới 2009, LHQ đánh giá khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng tới những thành quả về cải thiện sức khỏe phụ nữ và giảm nghèo. Chiếm số đông trong số những người nghèo, phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhất về sức khoẻ, việc làm, đặc biệt là khi mang thai. Nếu không lập tức hành động thì cuộc khủng hoảng có thể sẽ tạo ra một vòng xoáy dẫn đến nạn nghèo đói trầm trọng và kéo dài qua nhiều thế hệ. Đây là lý do tại sao chủ điểm của Ngày Dân số thế giới năm nay tập trung vào việc đầu tư cho phụ nữ.
Mỗi năm, cả thế giới mất khoảng 15 tỷ USD giá trị sản phẩm vì một nửa triệu phụ nữ chết khi mang thai và khi sinh con và 4 triệu trẻ sơ sinh tử vong. Thế nhưng, để cứu sống họ, thế giới chỉ mất khoảng 6 tỷ USD để đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết. Phần lớn, các trường hợp tử vong bà mẹ và tử vong thời kỳ chu sinh có thể phòng ngừa được bằng việc đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Để giúp bảo vệ quyền được chăm sóc y tế của phụ nữ và trẻ em gái, cần thiết phải tăng cường đầu tư xã hội, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Ngày Dân số thế giới kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bảo vệ thu nhập của người phụ nữ, giúp con gái của họ vẫn được đi học, được tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản bao gồm kế hoạch hóa gia đình. Các quan chức LHQ cũng nhấn mạnh, đầ tư cho phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng: “Khủng hoảng kinh tế bắt buộc chúng ta phải cắt giảm bất cứ chi phí nào nếu có thể được. Nhưng những công việc chúng ta đang dành cho phụ nữ trên thế giới vẫn cần phải được tiếp tục mà không hề giảm bớt. Khi bạn nâng cao vị thế cho một người phụ nữ, bạn sẽ nâng cao vị thế cho một gia đình và làm thay đổi cả thế giới”.
Lịch sử ngày dân số thế giới 11-7
Ngày 11-7-1987, lúc 6h35’ (giờ Anh), cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar ra đời tại thành phố Zagreb (nay là thủ đô của Croatia). Matej Gašpar là con thứ hai của một gia đình có cha là thợ điện và mẹ là y tá. Chỉ vài phút sau khi cậu bé được sinh ra, Tổng thư ký LHQ Javier Perez de Cuellar đã bế cậu trên tay và tuyên bố cậu là Công dân thứ 5 tỷ của hành tinh này. Đến tháng 11-1989, Diễn đàn Dân số thế giới đã quyết định lấy ngày sinh của Matej Gašpar, làm "Ngày Dân số thế giới" nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khoẻ…
VIỆT ANH (tổng hợp) |