11:04 14/10/2024 Hiện nay, trước thực trạng trẻ rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng, nếu như không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ.
Trong giai đoạn ba năm đầu đời, do bộ não có tính linh hoạt, nơron thần kinh liên kết lỏng, đây là thời điểm hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên dễ kết nối, nếu được can thiệp trong giai đoạn hệ thần kinh sửa chữa, kết quả can thiệp sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc phát hiện và can thiệp sớm trong 3 năm đầu đời được xem là thời điểm “vàng” đối với quá trình chăm sóc, can thiệp cho trẻ tự kỷ. Trường hợp trẻ trên 5 tuổi, hệ thần kinh hoàn thiện gần như 95%, hiệu quả can thiệp cho trẻ tự kỷ sẽ thấp hơn.
Phát hiện con mình đã 4 tuổi mà ít nói, chậm chạp, thường không tập đáp ứng chú ý giao tiếp với người khác và có nhiều hành vi lạ, chị V.A.V ở quận Kiến An đã đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Tại đây, chị được nghe kết luận về việc con chị bị Rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, do trẻ đã 4 tuổi, mức độ chậm trễ nhiều nên quá trình can thiệp cho con gặp nhiều khó khăn hơn.
Chị V.A.V chia sẻ: “Giá như, vào thời điểm khi con gần 2 tuổi, tôi có thể chú ý đến con nhiều hơn thì có lẽ có thể cho con được can thiệp sớm hơn”.
Mới đây, Đơn nguyên Tự kỷ - Tâm bệnh trực thuộc Khoa thần kinh - tâm bệnh (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) tiếp tục tổ chức buổi tập huấn miễn phí thường kỳ cho cha mẹ/người chăm sóc về một số nội dung liên quan tới trẻ rối loạn phát triển như: Hiểu đúng về quản lý hành vi, tiến trình thực hiện can thiệp hành vi cho trẻ và hướng dẫn can thiệp hành vi cho trẻ tại nhà. Đặc biệt, cha mẹ được tìm hiểu về 1 số bảng hỏi đánh giá hành vi của trẻ.
Sau buổi tập huấn, cha mẹ/người chăm sóc đã hiểu rõ hơn về quản lý hành vi cho trẻ cũng như định hướng phát triển lâu dài với trẻ. Với mục đích hỗ trợ cha mẹ/người chăm sóc cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ được chuyên sâu, lâu dài và giảm bớt chi phí trong quá trình can thiệp cho trẻ, Trung tâm tự kỷ - Khoa Thần kinh Tâm Bệnh - Bệnh viện trẻ em Hải Phòng sẽ luôn tiếp tục đồng hành cùng phụ huynh vào các buổi tập huấn tiếp theo.
Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện trẻ rối loạn phổ tự kỷ càng sớm, thì càng tốt cho quá trình can thiệp giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng. Theo đó, từ năm 2 tuổi đến 4 tuổi là thời điểm vàng can thiệp. Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ chưa có thói quen cho trẻ đi khám tâm lý phát triển khi còn nhỏ tầm 2 tuổi, chính vì vậy khi chăm sóc con các bậc cha mẹ cần chú ý các biểu hiện, hành vi khác thường của con mình để có thể đưa bé đi kiểm tra sớm nhất có thể. Tại các buổi tập huấn mà trung tâm tổ chức nhiều năm qua luôn tập trung hướng dẫn các cha mẹ dấu hiệu để nhận ra những biểu hiện theo dõi nguy cơ của con. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cha mẹ cách vui chơi, tương tác với con mỗi ngày dành, dạy con dựa theo một kế hoạch can thiệp cá nhân cụ thể của trẻ.
Trưởng khoa Thần kinh Tâm bệnh phụ trách đơn nguyên tự kỷ- tâm bệnh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bích Vân cho biết: Mỗi hành vi của trẻ được can thiệp đúng sẽ giúp cho trẻ tiến bộ nhanh chóng, có thêm cơ hội để hòa nhập với cộng đồng. Cho đến thời điểm này, y học cũng chưa thể đưa ra nguyên nhân chính gây ra bệnh tự kỷ, vì vậy những can thiệp điều chỉnh các hành vi, can thiệp các kỹ năng còn khiếm khuyết của trẻ giúp cho trẻ dần hoàn thiện hơn và hoà nhập tốt nhất với môi trường học tập và sinh hoạt của mình.
Ngoài ra, trẻ tự kỷ cần được chăm sóc và can thiệp sớm, chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lí và kiên trì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu việc can thiệp được tiến hành sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống.
Nếu không được điều trị, trẻ sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Ngay từ khi trẻ có biểu hiện bất thường, chẩn đoán xác định rõ từ 24 – 30 tháng, cần trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu tâm vận động và điều hoà cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội, tư vấn gia đình. Các kỹ năng cơ bản dạy trẻ: chú ý bằng nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ, chơi phù hợp, hiểu lời, kỹ năng phát âm.
Để hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng. Giao tiếp là một quá trình được xây dựng dựa trên các kỹ năng nối tiếp nhau. Nền móng của ngôi nhà giao tiếp là kỹ năng năng tập trung chú ý. Đây là kỹ năng quan trọng nhất. Sau đó, các kỹ năng hiểu quan hệ nhân quả, giao tiếp mắt, bắt chước, lắng nghe lần lượt là những viên gạch xây dựng cho trẻ một sự hiểu biết, từ đó trẻ biết sử dụng các cử chỉ điệu bộ và tiến tới việc giao tiếp bằng lời nói và hội thoại. Cha mẹ cần lưu ý tới thứ tự các kỹ năng khi dạy giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Tất cả các kỹ năng đều phát triển dần theo thời gian và liên quan đến nhau.
Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng khuyến cáo cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý đến các hoạt động tăng cường kỹ năng chú ý của trẻ tự kỷ. Bố trí môi trường để tránh sự xao nhãng: không có quá nhiều đồ chơi trước mặt hoặc trong tầm với, sắp xếp đồ chơi đồ dùng hợp lý, trong phòng không tiếng ồn, không gian không quá rộng, bàn ghế phù hợp cho việc học cá nhân. Cần tập cho trẻ ngồi, mặt đối mặt, ngang tầm mắt, gọi tên trẻ trong mỗi hoạt động; thu hút sự chú ý thông qua thị giác; đợi cho đến khi nhận thấy trẻ đã nhìn hoặc nghe thấy mới tiếp tục hoạt động khác.
Bên cạnh đó, cần chú ý hỗ trợ cho trẻ các hoạt động tăng cường kỹ năng chơi và bắt chước. Bắt chước là một kỹ năng quan trọng để học vì sự giao tiếp cần có sự hợp tác và tương tác giữa hai người. Để trẻ bắt chước được trước hết cha mẹ phải lôi kéo sự chú ý của trẻ và làm mẫu. Với trẻ tự kỷ không có khả năng bắt chước thì cần phải hỗ trợ theo các mức độ: cầm tay chỉ việc hoàn toàn, trợ giúp một phần, gợi ý bằng cử chỉ, ký hiệu, gợi ý bằng lời.
VŨ DUYÊN
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024