Cá thu một nắng Đồ Sơn: Sản phẩm đặc trưng của người dân miền biển

21:44 14/06/2020

Đồ Sơn không chỉ được biết đến đến những món hải sản tươi sống mà còn nổi tiếng với các loại hải sản khô, mà trong đó, cá thu một nắng được coi là đặc sản đã thành thương hiệu nức tiếng gần xa.

 

Sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và bảo hộ sản phẩm tập thể đặc thù

Những ngày tháng 5 trời nắng như đổ lửa, chạy dọc tuyến đường từ trung tâm quận Đồ Sơn đến những ngõ phố nhỏ thuộc các phường Hải Sơn, Vạn Hương, đâu đâu cũng thấy những phên, mẹt bày những khúc cá thu trắng ngần. Với người dân nơi đây, cá thu một nắng đã tạo thành thương hiệu đặc sản của Đồ Sơn bởi vị ngon riêng biệt do cách làm truyền thống của người dân địa phương, từ cách lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến quá trình chế biến.

Có mặt tại xưởng sản xuất rộng gần 100 m2 của gia đình chị Lưu Thị Tuyết, Chủ nhiệm CLB chế biến hải sản phường Hải Sơn, Phó chủ nhiệm CLB sản xuất - kinh doanh giỏi quận Đồ Sơn, các nhân công đang thoăn thoắt đôi tay chế biến mẻ cá thu một nắng mới. Những con cá thu tươi ngon, nặng khoảng 5-7 kg/con trở lên đã được đánh vẩy, cắt khúc và ngâm nước muối loãng. Theo lời các nhân công ở đây, người dân Đồ Sơn vốn có truyền thống chế biến cá khô bằng muối mặn, phơi nắng kỹ cho kiệt nước.

Tuy nhiên, những món cá khô này lại ít được thị trường ưa chuộng bởi vị mặn, đằm của cá. Khoảng 20 năm trở lại đây, khi tủ lạnh, tủ cấp đông dần phổ biến, người dân Đồ Sơn dần chuyển sang chế biến các loại cá một nắng, trong đó có cá thu. Ban đầu, cá thu một nắng được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiên dùng, sinh hoạt của người dân địa phương. Song khi du lịch được đẩy mạnh và phát triển, sản phẩm này được nhiều khách du lịch biết đến, ưa chuộng.

Giống như cá khô mặn, cá thu một nắng được chế biến khá đơn giản. Cá thu sau khi bỏ đầu, đuôi và ruột, dùng dao chéo thân cá thành những khúc có độ dày phù hợp. Sau đó, cá được đem ướp trong nước muối khoảng 2 - 3 tiếng rồi đem phơi nắng khoảng 7-10 tiếng ở nhiệt độ từ 25 - 27 độ C.

Chị Nguyễn Thị Sô, ở Tổ dân phố Thống Nhất, phường Hải Sơn, nhân công thuộc xưởng sản xuất cho biết, thông thường 1 kg cá thu tươi sau khi chế biến xong chỉ cho khoảng 0,5 kg cá một nắng. Món cá này khi thưởng thức có vị thơm đặt trưng, ngọt mềm, không quá mặn nên được thị trường ưa chuộng. Không những vậy, cá thu một nắng được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ cấp đông trên dưới 1 năm vẫn bảo đảm chất lượng.

Còn theo chị Lưu Thị Tuyết, mùa cao điểm chế biến cá thu một nắng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9. Có nhiều loại cá thu như: thu rồng, thu phấn đến thu ngàng, thu ống, nhưng món cá thu một nắng ngon nhất phải được chế biến từ thu phấn và thu rồng. Muối dùng ướp cá ngon nhất muối Bàng La để 1-2 năm. Cá thu một nắng thành phẩm sau khi chế biến xong sẽ được đóng túi ni-lông hút chân không rồi bảo quản ngay trong tủ cấp đông.

 

Cá thu được bày ra phên để đem phơi

Dù sản phẩm nức tiếng gần xa, song chỗ đứng trên thị trường của sản phẩm này chưa thực sự ổn định; còn bị xen lẫn với những sản phẩm kém chất lượng khác. Đặc biệt, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu cũng đang là một bài toán vô cùng nan giải đối với các hộ làm nghề tại địa phương.

Chị Lương Thị Ngọc, chủ cơ sở chế biến hải sản Ngọc Vinh, ở TDP Đoài, phường Hải Sơn cho biết, ngoài cá thu một nắng, cơ sở sản xuất của chị còn chế biến cá nục, cá lanh một nắng, chả cá chày, chả cá thu... Cơ sở của chị và các cơ sở khác của quận hoàn toàn có thể nâng sản lượng gấp 2-3 lần hiện tại nếu nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ ổn định.

Trước bài toán về nguồn nguyên liệu và bảo hộ thương hiệu, Hội Nông dân quận Đồ Sơn đã dùng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho các chủ tàu cá vay, đồng thời, yêu cầu họ cam kết bán sản phẩm cho các hội viên. Đặc biệt, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố hỗ trợ 4 hộ làm nghề hơn 1.000 túi đựng sản phẩm cùng máy in, dập tem mác…qua đó, giúp người tiêu dùng tránh mua nhầm các sản phẩm cùng loại không đạt chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân quận Đồ Sơn cho biết, năm 2014, nghề chế biến cá thu một nắng Đồ Sơn được UBND thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2016, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và bảo hộ sản phẩm tập thể đặc thù đối với sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn.

Hiện trên toàn quận có khoảng gần 50 hộ chế biến cá thu một nắng cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố, trong đó hơn 30 hộ sản xuất quy mô lớn trên dưới 5 tấn/năm trở lên, chủ yếu tập trung tại phường Hải Sơn.

Thời gian tới, để sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua, Hội Nông dân quận tiếp tục phối hợp với các ban, ngành quận Đồ Sơn, Hội Nông dân thành phố, các doanh nghiệp… đưa sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn chào hàng, giới thiệu tại các hội chợ thương mại toàn quốc.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

tin bài cùng chuyên mục:

Cháo cay

Cháo cay

14:08 05/04/2024

Sứa đỏ

Sứa đỏ

12:52 15/03/2024

Xôi khúc

Xôi khúc

22:22 01/01/2024

Sủi dìn

Sủi dìn

10:01 15/12/2023

Giá bể xào

Giá bể xào

19:42 07/12/2023

Bánh đa cua

Bánh đa cua

18:38 30/11/2023

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích