Kiến nghị các giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng

16:07 08/10/2024

Sáng 8-10, đồng chí Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển du lịch tại Sở Du lịch và Sở Văn hóa- Thể thao. Cùng dự có lãnh đạo các Ban HĐND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố liên quan; các quận, huyện; Hiệp hội Du lịch Hải Phòng; Công ty CP du thuyền Pelican Hạ Long- Cát Bà…

                                    Đồng chí Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc giám sát 

Các báo cáo của Sở Du lịch và Sở Văn hóa- Thể thao nêu rõ, những năm qua, Hải Phòng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, xây dựng và quảng bá tốt về du lịch và thương hiệu du lịch Hải Phòng. Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nên được quan tâm về mọi mặt cả về cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư. Thành phố huy động được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch; tập trung phát triển 2 trung tâm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch có bước tăng trưởng vượt bậc; số lượng khách du lịch ngày càng tăng, năm 2024 phấn đấu đón 9 triệu lượt khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền đề xuất các giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng

Bên cạnh loại hình du lịch biển đảo là phổ biến, Hải Phòng chú trọng phát triển du lịch tâm linh, du lịch golf; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch du thuyền trên vịnh Lan Hạ gắn với du lịch cộng đồng làng Việt Hải; du lịch ẩm thực-food tour…

Phó Giám đốc Sở  Văn hóa Thể thao Đỗ Thanh Bình báo cáo đoàn giám sát

 Tuy nhiên, các thành viên đoàn giám sát và lãnh đạo các ngành Du lịch, Văn hóa- Thể thao đều nhận định: du lịch Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; còn nhiều điểm nghẽn, rào cản về giao thông ra đảo Cát Bà; thiếu các điểm lưu trú chất lượng cao; chưa có khu vui chơi giải trí quy mô lớn; thiếu nhiều dịch vụ du lịch hút khách; việc khai thác các giá trị di sản văn hóa vật thể; phi vật thể; giá trị di sản văn hóa nghệ thuật… phục vụ phát triển du lịch chưa tương xứng… Bên cạnh đó, Hải Phòng còn thiếu bến tàu du lịch; thiếu nơi neo đậu cho du thuyền; thiếu các điểm du lịch cho du khách đi du thuyền trên vịnh Lan Hạ; còn nhiều bất cập trong khai thác di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà…

Quang cảnh cuộc giám sát

 Từ đó kiến nghị thành phố ban hành các cơ chế chính sách phát triển du lịch về thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chính sách mới hỗ trợ các hãng hàng không mở các tuyến bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; quan tâm đầu tư tu bổ các di tích quốc gia… Đồng thời có chính sách hỗ trợ  các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại; khôi phục hạ tầng du lịch bị hư hỏng do cơn bão số 3…

Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các ngành; các doanh nghiệp và sẽ có các đề xuất cụ thể nhằm phát triển du lịch Hải Phòng mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, vị thế, lợi thế và các mục tiêu đề ra./.

                                                                                                                               Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông