Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cơ hội cho Hải Phòng - Bài 2: Chuẩn bị gì cho khu công nghiệp sinh thái?

07:47 12/10/2024

Với tính chất và khác biệt đặc trưng so với các loại mô hình khác, việc phát triển KCN sinh thái hoặc chuyển đổi từ KCN truyền thống thành KCN sinh thái chắc chắn không phải là quá trình quen thuộc và đơn giản có thể thực hiện “ngày một, ngày hai”, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện, đến từ cả hệ thống chính quyền cũng như doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN.

Khung chính sách và pháp lý

Để phát triển và chuyển đổi KCN từ truyền thống thành KCN sinh thái, thứ nhất, việc hoàn thiện các hệ thống khung pháp lý rõ ràng và các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết. Trong đó cần tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển KCN sinh thái như các quy định về quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; chính sách khuyến khích doanh nghiệp, xây dựng các ưu đãi về thuế, vay vốn ưu đãi hoặc trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển bền vững; và đặc biệt là hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành với các doanh nghiệp trong các KCN, KKT để thực hiện các thủ tục về chuyển đổi KCN sinh thái cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay, về cơ bản, khung pháp lý về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam đã được xây dựng với những nội dung cụ thể liên quan tới hoạt động trong KCN, KKT và KCN sinh thái, được quy định trong các Luật, Nghị định và các văn bản pháp luật của các bộ, ngành.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ các nội dung về việc các KCN, KKT phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về môi trường; quy định về việc đánh giá tác động môi trường đối với các doanh nghiệp để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường hay quy định về trách nhiệm của các chủ đầu tư KCN trong việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải tập trung. Nhiều văn bản khác như Nghị định 40/2019 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 35/2022 về quản lý các KCN và KKT, Thông tư 01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường… cũng đã đưa ra những nội dung cụ thể, hướng dẫn và yêu cầu KCN phải xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động; đồng thời giám sát, đánh giá tác động môi trường trong KCN; quy định các tiêu chí để KCN được công nhận là KCN sinh thái bao gồm tiêu chuẩn về việc sử dụng tài nguyên, năng lượng, nước, và việc giảm phát thải… Đây là những cơ sở quan trọng để các địa phương và chủ đầu tư hạ tầng KCN căn cứ, triển khai việc chuyển đổi KCN sinh thái một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Về khuyến khích đầu tư, Luật Đầu tư 2020 và các nghị định về hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ đã nêu rõ các các dự án phát triển KCN sinh thái được khuyến khích thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và miễn giảm thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các dự án đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất sạch và các dự án hoạt động trong KCN sinh thái. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng tuần hoàn trong KCN sinh thái thông qua việc hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ hay phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN sinh thái nhằm chia sẻ tài nguyên và tái chế chất thải.

Về hoạt động giám sát và thực thi pháp luật liên quan đến môi trường và KCN sinh thái, đã có các hướng dẫn và quy định cụ thể trong việc đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, quy định rõ các yêu cầu về giám sát và báo cáo tình trạng môi trường cho các KCN, bao gồm cả KCN sinh thái... Theo đó, các KCN sinh thái cần thực hiện việc báo cáo định kỳ về mức độ phát thải, hiệu quả sử dụng tài nguyên và mức độ tác động đến môi trường, báo cáo cụ thể các chỉ số chất lượng nước, không khí…

Bên cạnh các chính sách trong nước, hiện nay Việt Nam cũng đã có những cam kết và tham gia ký kết văn bản quốc tế như Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính, và các KCN sinh thái là một phần quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; áp dụng các tiêu chí trong Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) vào quá trình phát triển bền vững và chuyển đổi sang kinh tế xanh, bao gồm việc xây dựng KCN sinh thái.

Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng)

Cơ sở hạ tầng xanh và sạch

Cơ sở hạ tầng xanh là yếu tố quan trọng trong việc phát triển KCN sinh thái, bảo đảm môi trường làm việc an toàn, bền vững và giảm thiểu tác động đến tự nhiên. Trong đó cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo có thể được coi là xương sống của KCN sinh thái, hạn chế sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng phát thải khí CO2.

Nước là tài nguyên quan trọng trong quá trình sản xuất công nghiệp. Trong KCN sinh thái, hệ thống quản lý và xử lý nước tuần hoàn sẽ góp phần cắt giảm việc tiêu thụ nước ngọt, tái sử dụng nước và bảo vệ nguồn nước tự nhiên. Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa từ các mái nhà, mặt đường, sau đó lọc và tái sử dụng cho mục đích tưới cây, vệ sinh hoặc làm mát trong các hệ thống làm lạnh cũng là sự chuẩn bị cần thiết để giảm áp lực lên nguồn nước ngọt tự nhiên. Song song với đó là việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN với các công nghệ xử lý tiên tiến như màng lọc sinh học, xử lý sinh học, hệ thống lọc nano để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, sau đó tái sử dụng cho các quy trình không yêu cầu nước sạch.

Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong KCN, việc triển khai hệ thống giao thông bền vững nhằm giảm thiểu khí thải từ phương tiện vận chuyển cũng là bước phát triển cần thiết cho KCN sinh thái.

Các công trình, tòa nhà trong khu công nghiệp sinh thái cần được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn bền vững, tiết kiệm năng lượng và giảm tác động đến môi trường. Hiện nay trên thế giới đã phổ biến nhiều chứng nhận quốc tế như LEED, BREEAM về xây dựng xanh, rất phù hợp cho việc xây dựng các toà nhà trong KCN, KKT giúp đảm bảo các công trình xây dựng đáp ứng được các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm. Tạo không gian xanh bằng cách trồng cây, phát triển các công viên, hồ nước nhân tạo để cải thiện chất lượng không khí, giảm nhiệt độ và tạo môi trường làm việc thoải mái cho công nhân cũng cần được chú ý.

Trong khu công nghiệp sinh thái, việc quản lý chất thải và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những tiêu chí quan trọng cần được thực hiện …

Đặc biệt, KCN sinh thái chắc chắn cần phải phổ biến và ưu tiên áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ một doanh nghiệp làm nguyên liệu cho doanh nghiệp khác trong cùng KCN.

Chủ động và sẵn sàng các nguồn lực

Song hành cùng việc chuẩn bị các hạ tầng về kỹ thuật và công nghệ, công tác chuẩn bị sẵn sàng và chủ động mọi nguồn lực về con người cũng như tài chính cũng không kém quan trọng. Đội ngũ nhân sự thực hiện công tác chuyển đổi hay phát triển KCN sinh thái cần phải được định hướng và nắm bắt rõ về tính chất, mục tiêu, ý nghĩa cũng như hiệu quả của KCN sinh thái đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững của nền công nghiệp nói chung. Khi đó, công tác truyền thông như tổ chức các hội thảo, tọa đàm về phát triển bền vững, môi trường xanh, kinh tế tuần hoàn, KCN sinh thái sẽ là những hoạt động cần thiết.

Kết hợp với đó là triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện, chuyển giao các kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ để phát triển KCN sinh thái. Xây dựng mô hình này là quá trình dài hơi, phức tạp với nhiều nội dung mới, kiến thức mới trong cả hoạt động của doanh nghiệp cũng như chính quyền các cấp. Vì vậy, tăng cường đào tạo và cung cấp kiến thức là hoạt động phải được thực hiện liên tục và mở rộng về quy mô cũng như nội dung, tập trung trước hết như: sản xuất sạch, quản lý tài nguyên và chất thải, các tiêu chuẩn xanh và bảo vệ môi trường…

Việc phát triển KCN sinh thái đòi hỏi các nguồn tài chính lớn cho việc xây dựng hạ tầng xanh, đầu tư công nghệ sạch, và các giải pháp bền vững. Vì vậy, chuẩn bị các chính sách, phương án tài chính phù hợp là cực kỳ cần thiết. Cần nghiên cứu khai thác, kết hợp các chính sách, cơ chế ưu đãi của nhà nước cho doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp trong KCN sinh thái, các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, chương trình cho vay lãi suất thấp với các dự án về năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng xanh… Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức quốc tế lớn như Các tổ chức tài chính quốc tế như Wordbank, ADB, IFC cũng có các hoạt động hỗ trợ cho phát triển KCN sinh thái ở Việt Nam. Và đặc biệt, nguồn lực tư nhân của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển xanh vì doanh nghiệp là người thụ hưởng trực tiếp và sớm nhất những lợi ích của KCN sinh thái. Hiện này, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã sẵn sàng nguồn tài chính mạnh mẽ để thực hiện các dự án phát triển KCN sinh thái, đón đầu triển khai các giải pháp công nghiệp xanh, bền vững.

KCN sinh thái không phải là mới lạ, song để thực hiện phát triển KCN sinh thái đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính sách, hạ tầng, công nghệ, con người… với sự tham gia bởi nguồn lực lớn. Chính vì vậy, địa phương nào phát triển KCN sinh thái sẽ cần phải có những tiềm năng, lợi thế sẵn có vượt trội, kết hợp với nền tảng sẵn sàng, định hướng rõ nét và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền và doanh nghiệp.

(còn tiếp)

LÊ TẤT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông