14:56 13/10/2024 Với vị thế của thành phố Cảng và công nghiệp lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng có những tiềm năng và lợi thế vượt trội để phát triển KCN sinh thái. Vì vậy, thành phố cần khai thác tối đa mọi nguồn lực sẵn có, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được để tiên phong và bứt phá trong chuyển đổi xanh và phát triển công nghiệp bền vững.
Khai thác tối đa lợi thế
Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các KCN sinh thái, nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, hệ thống hạ tầng phát triển, cũng như các chính sách hỗ trợ của thành phố cho doanh nghiệp. Song, đối với phát triển KCN sinh thái, phải kể đến những lợi thế đặc thù và riêng biệt mà Hải Phòng có thể khai thác và phát triển KCN sinh thái:
- Thứ nhất, Hải Phòng là một thành phố cảng lớn của Việt Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế, với cảng nước sâu Lạch Huyện có thể đón các tàu lớn. Điều này giúp Hải Phòng thuận lợi trong việc tiếp nhận công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế về phát triển bền vững.Thành phố cũng có có hệ thống giao thông liên kết đa dạng bao gồm cả đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối hàng hóa và logistics – một yếu tố quan trọng trong phát triển các KCN sinh thái. Hạ tầng cảng biển, đường cao tốc, đường sắt, sân bay được đầu tư đồng bộ hiện đại tạo ra sự kết nối và hội nhập quốc tế cao với các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.. thông qua các tuyến hàng hải và hàng không vô cùng quan trọng.
- Thứ hai, Hải Phòng đã phát triển nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế rộng lớn với kết quả hoạt động hiệu quả. Các khu công nghiệp này có tiềm năng lớn trong việc chuyển đổi sang mô hình sinh thái nhờ vào nền tảng hạ tầng hiện đại, sẵn sàng. Đồng thời, trong các KCN của Hải Phòng, mạng lưới hệ sinh thái doanh nghiệp đã được phát triển tương đối hoàn thiện, tạo thành hệ thống liên kết chặt chẽ. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển mô hình KCN sinh thái với việc tăng cường cộng sinh doanh nghiệp, tích hợp các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và tiết kiệm tài nguyên để phát triển bền vững.
- Thứ ba, Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các KCN. Điều này tạo ra uy tín quốc tế cao và là điều kiện thuận lợi, giúp cho việc thu hút đầu tư vào công nghệ xanh và các giải pháp bền vững tại Hải Phòng trở nên dễ dàng hơn. Cùng với đó, thành phố có nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và cảng biển, cho phép thành phố đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết để phát triển KCN sinh thái.
- Thứ tư, Hải Phòng là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp, với sự hiện diện của nhiều trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề. Điều này giúp cung cấp đội ngũ lao động có kiến thức về công nghệ xanh và quản lý môi trường, đồng thời dễ dàng triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và lao động về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
- Thứ năm, Hải Phòng có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việc thuận lợi tích hợp các giải pháp năng lượng tái tạo vào hệ thống sản xuất và vận hành KCN sẽ giúp ngành công nghiệp của Hải Phòng giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và góp phần giảm phát thải carbon.
- Cuối cùng, thành phố Hải Phòng có hệ thống chính quyền hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong triển khai các mô hình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đến nay, Hải Phòng đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về sự hỗ trợ và đồng hành của thành phố với doanh nghiệp, ghi nhận những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, liên tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng để Hải Phòng tận dụng và tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia có kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái như Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước châu Âu để trao đổi và đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ cũng như học tập kinh nghiệm về xây dựng, chuyển đổi và quản lý KCN sinh thái.
Những thành tựu bước đầu
Hiện nay, Hải Phòng đã có 2 KCN định hướng phát triển và hoạt động theo mô hình sinh thái là KCN Nam Cầu Kiền và tổ hợp KCN DeepC. Đây có thể coi là những thành tựu bước đầu, có tính chất tiên phong trong phát triển KCN tại Hải Phòng, minh chứng cho sự nỗ lực và song hành của doanh nghiệp và thành phố.
Nằm tại huyện Thuỷ Nguyên, KCN Nam Cầu Kiền với diện tích hơn 260 ha, là một trong những KCN sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường, hướng tới hài hoà lợi ích của các bên liên quan thông qua các khía cạnh ESG (Môi trường – xã hội – quản trị). Theo TS. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, KCN sinh thái Nam Cầu Kiền tại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng đang xây dựng, áp dụng thành công mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức, nhận thức, hành động của các doanh nghiệp tại đây trong bảo vệ môi trường.
Thực hiện theo định hướng sinh thái và bền vững như vậy, KCN Nam Cầu Kiền đã có những kết quả rõ nét, cụ thể khi áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khu công nghiệp. Theo báo cáo phát triển bền vững của chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, năm 2023, KCN này triển khai thành công nhà máy xử lý nước thải với công suất 2000 m3/ ngày đêm trong khuôn viên KCN theo mô hình vườn Nhật, đưa 25% lượng nước thải sau xử lý tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra môi trường; từ đó giúp tiết kiệm khoảng 600 triệu đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm. Về quản lý chất thải, 3 chuỗi cộng sinh cộng nghiệp trong các lĩnh vực thép, nhựa và phụ trợ điện tử được hình thành, đảm bảo 100% nhu cầu xử lý chất thải của các doanh nghiệp thứ cấp được đáp ứng theo mô hình chuỗi cộng sinh tuần hoàn. Về điện năng, KCN Nam Cầu Kiền chủ động thúc đẩy sử dụng điện áp mái, thí điểm triển khai tại khu vực văn phòng điều hành KCn với sản lượng trung bình 81,4 kwh.
Có thể thấy trực quan, KCN Nam Cầu Kiền được phủ xanh với 33% diện tích sử dụng cho công trình cộng cộng, cây xanh… vượt trên mức quy định yêu cầu hiện tại là 25%. Tại đây, 1200 loài sinh vật được phát triển, 65% hệ sinh thái trong KCN đã được phục hồi sau khi phát triển mô hình sinh thái mà tiêu biểu là khu vườn hơn 3ha trong KCN, là hình mẫu tiêu biểu của phát triển thiên nhiên và bảo tồn sinh thái trong hoạt động công nghiệp tại Hải Phòng.
Tổ hợp KCN DeepC với hơn 30 năm phát triển hệ thống các KCN theo tiêu chuẩn châu Âu, hiện có diện tích cơ sở hạ tầng rộng lớn, đầu tư hiện đại đã trở thành địa điểm tập trung nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Deep C cũng đang triển khai tích cực các sáng kiến bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn diện sang mô hình KCN sinh thái.
Có thể kể đến hệ thống điện mặt trời áp mái đã triển khai thí điểm các dự án có công suất lắp đặt 2,15 MWp và 0,93 MWp, dự kiến trong tương lai sẽ đạt công suất lên tới 10 MWp mỗi dự án và tổng công suất 100 MWp. Thực tế năm 2023, hệ thống điện áp mái tại KCN DeepC đã đạt 3370 MWh, góp phần giảm 2433 tấn CO2 thải ra môi trường. Cùng với đó, hình ảnh cánh quạt gió của KCN DeepC tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã trở thành một biểu tượng cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại đây. Dự án điện gió của KCN DeepC đã đạt công suất 2481 MWh trong năm 2023 và giúp giảm phát thải CO2 đạt 1791 tấn.
Song song với thúc đẩy năng lượng tái tạo, KCN DeepC cũng triển khai thành công việc tái sử dụng rác thải nhựa làm đường nhựa. Với 200m đường nhựa, có gần 1 tấn rác thải nhựa được tái chế, tương đương với khoảng 250 nghìn túi nhựa, có thể nhìn nhận là một giải pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài rác thải nhựa, bùn thải cũng được KCN DeepC nghiên cứu đưa vào sử dụng như vật liệu san lấp, giúp bảo vệ môi trường và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, KCN DeepC tiếp tục xây dựng và đưa vào thực tế các sáng kiến giảm phát thải ra môi trường như tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, thu gom và tái sử dụng nước mưa, tái chế chất thải hữu cơ như rác thải nhà bếp, bã cà phê… làm phân compost, tái chế chất thải gyp làm vật liệu xây dựng. Đây là những giải pháp quan trọng, đồng hành cùng thành phố Hải Phòng giải quyết bài toán bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, KCN DeepC cũng đã có kế hoạch nghiên cứu xây dựng nhà máy điện sinh khối, tạo ra nguồn năng lượng điện từ các chất thải sinh học như rác, phụ phẩm chăn nuôi, sinh khối gỗ, bã mía, rơm rạ, trấu…
Kết lại, thành phố Hải Phòng có đầy đủ các cơ sở, nguồn lực mạnh mẽ và đã có những thành tựu bước đầu trong phát triển hệ thống KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu thế tất yếu để phát triển công nghiệp bền vững, đặc biệt là với thành phố có bề dày truyền thống và thế mạnh vượt trội về công nghiệp nói chung và KCN nói riêng như Hải Phòng. Phát triển KCN sinh thái sẽ đòi hỏi sự đồng hành và quyết tâm cao độ của chính quyền thành phố và quan trọng hơn cả là các KCN, các doanh nghiệp trên địa bàn. Quá trình nghiên cứu sáng tạo, chuẩn bị nguồn lực, thực hiện quyết liệt và kiên trì sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp và thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Trong tương lai không xa, Hải Phòng chắc chắn sẽ trở thành địa phương đi đầu trong phát triển KCN sinh thái, xứng đáng là đầu tàu công nghiệp hiện đại, bền vững của cả nước.
LÊ TẤT