21:52 17/07/2024 Những năm qua, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất nông sản đã được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Toàn Thắng, Tiên Lãng, áp dụng thành công vào thực tiễn sản xuất. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đã trở thành mô hình điểm cho phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của địa phương…
Trước hết, có thể kể đến mô hình trồng 2 ha măng tây, rau màu các loại của gia đình chị Nguyễn Thị Sen, ở thôn Minh Hậu, xã Toàn Thắng, Tiên Lãng. Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, nắm được những lợi ích mà rơm rạ mang lại cho sản xuất nông nghiệp, sau mỗi vụ gặt lúa, khác với một số hộ dân khác là thu gom, đốt rơm rạ, gia đình chị Sen lại ra đồng thu gom rơm rạ về tận dụng để ủ phân, che phủ mặt luống.
Việc làm này của gia đình không chỉ giúp bổ sung nguồn phân bón hữu cơ cho đất, hạn chế cỏ dại mọc trên đồng ruộng mà còn giúp giữ ẩm cho đất, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường.
Đây chính là mục tiêu quan trọng mà một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững hiện nay đang đặt ra. Diện tích măng tây của gia đình chị Sen được trồng theo quy trình VietGAP, cam kết an toàn thực phẩm đã được Chi cục trồng trọt & Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố, cấp mã số vùng trồng. Là địa chỉ cung cấp “nông sản xanh” nên nông sản của gia đình chị được bán ra thị trường với giá cao, gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất đại trà, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình.
Tiếp đến là mô hình sản xuất nấm sò của gia đình ông Vũ Văn Nhân, ở thôn Bằng Viên, xã Toàn Thắng. Theo chia sẻ của gia đình, rơm rạ sau thu hoạch được tận dụng làm giá thể trồng nấm sò. Sau mỗi vụ thu hoạch nấm xong, gia đình ông lại tận dụng nguồn giá thể này tiến hành xử lý, ủ làm phân bón cho vườn cây ăn quả của gia đình. Quy trình tận dụng, xử lý rơm rạ vào sản xuất này đã giúp gia đình ông Nhân tiết kiệm được từ 20 - 30% chi phí đầu tư sản xuất, tạo động lực thôi thúc gia đình ông phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh…
Như vậy, quy trình sản xuất khép kín thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các phế phụ phẩm nông nghiệp được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình trồng trọt kể trên của các hộ dân xã Toàn Thắng đã tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, giúp giảm lãng phí, thất thoát trong trồng trọt, giảm tối đa lượng chất thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Là địa phương có vùng sản xuất nông nghiệp lớn, xã Toàn Thắng nói riêng, huyện Tiên Lãng nói chung có nguồn phụ phẩm dồi dào từ hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chủ yếu từ các loại cây trồng như: lúa, khoai, bắp, rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Dựa trên nguồn phụ phế phẩm này, căn cứ vào hiệu quả thiết thực mà các mô hình trên mang lại, nhất là đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, luôn quan tâm phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt cũng như chăn nuôi theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây cũng chính là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn đang được thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Bình Huệ